BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Ý NGHĨA VÀ CÔNG DỤNG CỦA ĐAU KHỔ



Chúng ta cùng xét tới một vấn đề khiến cho mọi người đều hết sức chú ý sâu sắc khi mọi người đi theo con đường đó – Ý nghĩa và Công dụng của Đau khổ. Trước hết là Ý nghĩa. Các bạn có thể nhớ lại rằng về bản chất của con người và cách thức theo đó ta coi Chơn ngã của con người, Tự ngã sâu kín nhất của y, là Chơn nhơn hoạt động qua các hiện thể hoặc các lớp vỏ khác nhau, và như vậy biểu lộ tâm thức theo nhiều cách khác nhau. Chỉ có Tự ngã đang hoạt động và nếu ta muốn hiểu được cấu tạo của con người thì ta ắt phải ngộ ra được rằng Chơn ngã vốn ở nơi gốc rễ của mọi hoạt động, và những đặc trưng khác nhau của các hoạt động không tùy thuộc vào sự khác nhau của Tự ngã mà tùy thuộc vào sự khác nhau về môi trường hoặc những phẩm chất mà Tự ngã hoạt động thông qua đó. 

Ngay từ đầu, Chơn ngã đã có ý thức trên cõi của riêng mình. Vốn là dòng dõi của Tâm thức đại đồng Vũ trụ, nó làm sao có thể khác hơn thế được? Nhưng khi nó giáng xuống cái vũ trụ biểu lộ này và khoác lấy hết hiện thể này đến hiện thể khác, hết lớp vỏ này tới lớp vỏ khác thì có thể nói đôi mắt của Tự ngã đã bị mù quáng đi do những lớp màn che liên tiếp vây phủ xung quanh mình. Vì thế, khi Tự ngã đạt tới trình độ thấp nhất – tức vũ trụ vật lý mà ta đang ở trong đó – thì Tinh thần đã bị Vật chất làm mù quáng và không còn có ý thức về số phận cao siêu của chính mình hoặc bản chất cốt lõi của chính mình trong vũ trụ vật lý.

Thế mà ta biết rằng chính cái Tự ngã bị mù quáng này lại nhập vào vũ trụ biểu lộ để học hỏi và thu thập kinh nghiệm. Ta hãy nhất thời nghĩ tới nó đang khoác lấy những hiện thể mà vào lúc này ắt phải trở nên quen thuộc đối với các bạn: hiện thể để cho y suy nghĩ trong đó tức là cái trí hay tâm trí; hiện thể để cho y cảm xúc trong đó mà ta thường gọi là “thể dục vọng”, vì cảm xúc và dục vọng có liên quan rất mật thiết với nhau, những cảm xúc khoái lạc và đau khổ bắt nguồn từ việc tiếp xúc với các vật ngoại lai vốn tác động lên thể dục vọng và khiến cho thể dục vọng bị các ngoại vật ấy thu hút hoặc đẩy dội ra.

Thế thì ta hãy nhất thời nghĩ tới Tự ngã khoác lấy thể dục vọng và bị nó làm cho mù quáng không nhận ra được bản chất chân thực của chính mình và thân phận đích thực mà mình đang lâm vào cảnh ngộ ấy. Tự ngã bị đủ thứ ngoại vật thu hút; bị hấp dẫn bởi những thứ khiến cho nó có được cảm giác khoái lạc và dĩ nhiên bị đẩy dội lại bởi những thứ mà nó cảm thấy gây ra đau khổ cho mình. Vậy là khi đến với thế giới này – bạn phải nhớ rằng nó chẳng biết gì về thế giới này, vì tôi đang xét tới nó trong những giai đoạn trải nghiệm sơ khai nhất – nó ắt tự nhiên là bị thu hút mạnh mẽ về phía điều mang lại cho nó khoái lạc do tiếp xúc, khiến cho nó thấy rằng mình nhận ra được đâu là niềm vui hoặc hạnh phúc hay là hài lòng. Khi bị thu hút như thế về mọi thứ mà nó thấy là đáng ham muốn thì nó thường nhận ra rằng tiếp theo sau việc thỏa mãn ham muốn lại là đau khổ. Khi bị thu hút bởi cái đối tượng đáng mong muốn ấy mà lại thiếu kinh nghệm khiến cho mình có thể phân biệt, và phân biệt được thì có thể nói là nó cứ lao mình vào cái đối tượng hấp dẫn ấy, chỉ cần biết rằng mình cảm thấy khoái lạc trong sự tiếp xúc ấy. Thế rồi khi hết tiếp xúc – vốn mang lại khoái lạc – thì đau khổ mới dồn tích lại và do sự đau khổ ấy nó mới phát hiện ra rằng mình đã lao vào một thứ gì đấy chẳng có gì đáng mong muốn mà thật là ghê sợ. Và nó cứ có đi có lại cái trải nghiệm ấy; khi thường xuyên lập đi lập lại, nó ắt học thuộc bài học do vũ trụ ngoại giới dạy cho mình.

Ta hãy xét hai sự thèm khát rất bình thường đầy thú tính vốn bị hấp dẫn để thỏa mãn bằng khoái lạc rồi lại biến thành cội nguồn của đau khổ. Ta hãy xét ham muốn những thức ăn hấp dẫn vốn tác động lên vị giác là một phần của thể ham muốn; món ăn này sẽ thu hút vị giác và Tinh thần vô ý thức – vô ý thức ở đây nghĩa là trên cõi này nó không ý thức được những hậu quả nối tiếp sau đó - ắt sẽ lại phải chạy trốn do cái khoái lạc lúc tiếp xúc ấy; tôi có thể lập lại phép tỉ dụ xưa cũ của Đông phương mà tôi rất thường sử dụng, theo đó các giác quan giống như những con ngựa bị cột vào cổ xe là cơ thể, rồi chở Linh hồn giong ruổi đi tới các đối tượng ham muốn. Thế là y sẽ thỏa mãn vị giác đến mức quá trớn; y sẽ chuyển sang thói tham ăn. Kết quả của việc thỏa mãn vị giác mà thiếu kinh nghiệm ắt là đau khổ nối tiếp theo việc thỏa mãn quá trớn. Cũng như vậy, nếu y thỏa mãn vị giác, chẳng hạn như uống rượu quá nhiều. Lại có sự đau khổ nối tiếp việc thỏa mãn dục vọng ngay trước mắt. Và khi điều này đã được lập đi lập lại mãi thì Tinh thần – vốn theo chỗ mà cái trí có thể hiểu được – bèn liên kết những sự việc lại với nhau, nối liền việc thỏa mãn ham muốn với sự đau khổ tiếp theo việc thỏa mãn ấy, bằng cách này y dần dần đạt tới mức hiểu được rằng trong vũ trụ có những định luật liên quan tới thể xác của mình, và nếu y bước vào tiếp xúc với những định luật ấy mà lại ra sức vi phạm chúng, thì hậu quả là y ắt chịu đau khổ. Điều này dường như thể một người lao mình vào một bức vách vô hình rồi bị bầm dập do sự va chạm ấy. Cứ lập đi lập lại mãi thì khi người ta bị hấp dẫn bởi một vật hữu hình nào đấy ở phía bên kia hàng rào vô hình này mà hễ lao mình vào nó là cứ đúng như rằng bị bầm dập, thì y ắt học được việc liên kết hậu quả tiếp theo việc đeo đuổi đối tượng ấy là nỗi đau khổ mà mình cảm nhận được. Thế là trong tâm trí ý nổi lên cái ý niệm về trình tự, về nhân quả, về mối quan hệ tồn tại giữa việc thỏa mãn ham muốn và sự đau khổ nối tiếp; bằng cách này – khi việc học các bài học đã được cái trí ấu trĩ minh tâm khắc cốt – thì nó ắt thấy trên thế giới ắt có một điều gì đó còn mạnh hơn mình, đó là một Định luật mà nó không thể phá vỡ được; một Định luật mà nó có thể nỗ lực vi phạm nhưng không tài nào vi phạm nổi; Định luật ấy chứng tỏ sự tồn tại của mình qua nỗi đau khổ phải chuốc lấy khi Tinh thần húc đầu vào vách. Thế là bài học được học thuộc hết đối tượng ham muốn này sang đối tượng ham muốn khác cho đến khi việc tích tụ được cả đống kinh nghiệm, ắt dần dần giúp cho Tinh thần do đau khổ mà học được cách điều tiết ham muốn chứ không còn để cho con ngựa giác quan chạy lồng lên đi tới bất cứ nơi đâu mà chúng muốn; cần phải hàng phục chúng, kềm chế chúng và chỉ cho phép chúng chạy theo những con đường thật sự đáng mong muốn. Thế là bài học tự chủ ắt là thành quả của kinh nghiệm đau thương này.

Giờ đây ta có thể nói hoặc suy nghĩ rằng, xét cho cùng thì ta có cái thể dục vọng này chung với loài thú cấp thấp, thế mà bằng một cách kỳ diệu nào đấy loài thú cấp thấp lại khác với con người ở chỗ nó hầu như được dẫn dắt tránh việc trải nghiệm đau khổ bằng cái mà ta gọi là bản năng. Trong khi con người thường xuyên trải nghiệm đến khi mình học cách tự chủ thì con thú – do một trải nghiệm truyền thừa bẩm sinh thường được ta gọi là bản năng, lại được bảo vệ ít ra cũng là phần lớn thoát khỏi cái trải nghiệm đau khổ này. Sự thật là thế đấy. Khi quan sát thấy sự thật ấy ta đâm ra thắc mắc đối với lý trí. Chẳng biết lý do tại sao, nhưng lý do cũng đâu cần phải tìm kiếm ở chỗ xa xôi. Trước hết, có lẽ tôi nên phát biểu – để phòng ngừa khả năng hiểu lầm – rằng người ta trong một chừng mực nào đấy lại đẩy sức mạnh bản năng lên tới mức quá trớn so với loài thú cao cấp nhất. Nơi loài thú cấp thấp, qui tắc của bản năng được hoàn chỉnh mĩ mãn. Nơi loài thú cao cấp qui tắc ấy kém hoàn chỉnh hơn loài thú cấp thấp và chúng thường cần có một trải nghiệm nào đấy trước khi bản năng trở thành một người hướng dẫn tuyệt đối an toàn đối với chúng. Trong trường hợp của chúng thì lý do, và trong trường hợp của chính ta thì lý do còn sâu sắc hơn nữa, đó là: nơi con người, ta chẳng những có dính dáng tới cái thể dục vọng – mà nếu chỉ có mỗi một mình nó thôi, ắt được định luật ngoại giới dẫn dắt để hướng dẫn nó đi tới những đối tượng lành mạnh, mang lại sức khỏe, khiến cho nó tránh những đối tượng nguy hiểm hoặc gây chết chóc – nhưng nơi con người ta lại có sự tham gia của Linh hồn: Linh hồn là Tinh thần đã biệt lập ngã tính cho nên không bị thôi thúc bởi một Định luật ngoại lai nữa mà tiến hóa theo một Định luật xuất phát từ bên trong. Nó không chỉ bị cưỡng bách phải thuận theo Thiên nhiên ngoại giới, theo cái sự cưỡng chế mà các giới khoáng vật, thực vật và động vật phải cam chịu. Đây không còn là trường hợp tiến hóa theo một khối tập hợp, tiến hóa tập thể, mà để cho công việc diễn ra hữu hiệu thì cần phải được Định luật ngoại lai kiểm soát. Con người phải tự mình nắm giữ lấy cơ tiến hóa của chính mình; nó tiến hoá là do trải nghiệm chứ không phải do cưỡng chế; đó là vì vào giai đoạn này trong cơ tiến hóa, Tinh thần đã được biệt lập ngã tính bởi lớp vỏ tâm trí và kinh nghiệm tích lũy của Linh hồn đang luân hồi ắt thế chỗ cho sự giáo dục cưỡng bức trong các giới Thiên nhiên thấp.

Và thế là sự hiện diện của manas, tức cái trí nơi con người đã khiến cho yếu tố đau khổ này là một bộ phận cần thiết xiết bao cho công trình giáo dục con người. Y có thể nhớ lại, y có thể so sánh đối chiếu, y có thể rút ra mối quan hệ giữa những sự vật tạo thành chuỗi diễn biến; và chính vì y có quyền năng tư tưởng, tâm trí, cho nên y có thể nắm giữ sự tăng trưởng của chính mình bằng bàn tay của chính mình, và có thể trở thành một người hoạt động hợp tác với Thiên nhiên; y chẳng những có thể nói là một viên gạch trong cái tòa dinh thự thiên nhiên mà còn là một người xây dựng hữu ngã thức, tham dự vào công trình xây dựng tổng thể ấy.

Thế là dần dần do đau khổ giáo dục tác động lên cái trí thông qua thể dục vọng, tri thức về Định luật nơi vũ trụ ngoại giới tăng trưởng dần đến nỗi mà ở đây ý nghĩa của đau khổ - khi tiếp xúc với Định luật một cách đầy hiềm khích, cố gắng phá vỡ Định luật mà chẳng bao giờ thành công được thì việc sử dụng đau khổ chính là để có được tri thức về Định luật; thế là trí tuệ biết lý luận bèn hướng dẫn và giáo dục bản chất thấp hèn.

Ta cũng chuyển từ quan điểm đau khổ này sang quan điểm đau khổ khác. Nhờ đau khổ, Linh hồn đang tăng trưởng đã học được về sự tồn tại của Thiên luật.

Công dụng kế tiếp của đau khổ ắt được phát hiện một cách thâm thúy hơn. Nhờ đau khổ ta mới nhổ bật tận rễ cái ham muốn đối với mọi sự vật nơi vũ trụ ngoại giới mà theo ngôn ngữ của Chí Tôn Ca té ra là một trong “những cái nôi của đau khổ”. Ham muốn là điều thu hút Linh hồn tái sinh, ham muốn là điều căn bản gây ra sự biểu lộ của vũ trụ. Chính khi “Ham muốn lần đầu tiên xuất hiện trong lòng cõi Vĩnh hằng” thì mầm mống của vũ trụ biểu lộ mới xuất hiện ra được; và thế là luôn luôn chính ham muốn đã gây ra sự biểu lộ cho dù đó là biểu lộ của tổng thể hay bộ phận, thì ham muốn vẫn liên tục thu hút Linh hồn trở đi trở lại nhập thế. Ta hãy để ý rằng chính ham muốn đã thu hút Linh hồn hướng ngoại, luôn luôn hướng ngoại về ngoại giới. Và việc giáo dục Linh hồn cốt ở việc thoát ra khỏi để nhập vào ngoại giới, thu thập mọi tri thức nơi ngoại giới, thế rồi do trải nghiệm mất đi thị hiếu về ngoại giới rồi mang vào bên trong cái tri thức mà mình thu hoạch được. Nhưng giả định rằng các đối tượng của ham muốn vẫn còn đáng ham muốn, thế thì vòng sinh tử luân hồi ắt không chấm dứt được, lúc bấy giờ có thể nói là không thể thu lượm được trí thức và không thật sự tiến hóa được tới những khả năng cao nhất. Đó là vì nên nhớ rằng sự toàn bích của con người không phải là cứu cánh cho ta tăng trưởng; đó chỉ là cứu cánh cho chu kỳ hiện nay, nhưng chỉ là việc chuẩn bị cho một chu kỳ khác; và những đấng trở thành con người toàn bích trong chu kỳ hiện nay là những đấng xuất phát từ Niết Bàn tịch tịnh, vắng lặng, để rồi xuất hiện trong chu kỳ biểu lộ kế tiếp, không còn với tư cách là những kẻ cần được giáo dục mà trên cương vị là những đấng Kiến tạo và Thần linh dẫn dắt vũ trụ biểu lộ kế tiếp, chuyển sang cái địa hạt hoạt động cao siêu hơn rồi vận dụng ở đó những trải nghiệm mà mình đã hoạch đắc được ở đây. Như vậy điều cốt lõi là những Linh hồn nào hiện nay đang biểu lộ thành con người, nhưng trong các thiên niên kỷ tương lai phải trở nên thiêng liêng thì họ chẳng cần thu thập trí thức mà còn mang nó theo để biến nó thành một bộ phận trong bản thể tương lai của chính mình; để có thể thực hiện được điều này thì ham muốn ắt phải dần dần bị biến chất cho đến lúc cuối cùng nó biến mất. Các đối tượng của ngoại giới thấp nhất phải trở nên không đáng mong muốn đối với Linh hồn đã thu thập được tri thức. Các đối tượng của mỗi giai kỳ ngoại giới dù là tinh vi hay thuộc về cõi trần đều phải trở nên không đáng mong muốn; mọi thứ phải trở nên không đáng mong muốn ngoại trừ cái Vĩnh hằng vốn là tinh túy của chính Linh hồn. Thế là dần dần nhờ đau khổ trong vũ trụ thể chất mà Linh hồn học cách diệt dục.

Không còn cách nào khác để chinh phục dục vọng. Nếu trong việc thỏa mãn những ham muốn ngoại lai mà không có đau khổ thì bạn ắt dùng ý chí mạnh mẽ kềm những con ngựa lại, ngăn không cho chúng chạy lồng lên theo con đường mà mình không chọn lựa cho chúng đi trên đó. Nhưng bạn muốn nhiều hơn mức chỉ dùng sức mạnh để kềm chế chúng lại, đó chỉ là một giai đoạn rất sơ cấp trong sự tiến hóa của Linh hồn; bạn muốn chúng không còn ham chạy lồng lên theo những đối tượng nữa, nghĩa là bạn muốn cắt đứt chính cái gốc rễ của ham muốn và ta chỉ có thể làm được như vậy khi những đối tượng đã từng một thời hấp dẫn lại mất đi khả năng hấp dẫn đó; sao cho chúng không còn có thể thu hút Linh hồn hướng ngoại nữa. Lúc bấy giờ vì đã cạn hết mọi thứ mà mình có thể học được từ đối tượng và phát hiện rằng rốt cuộc nó chỉ tạo ra đau khổ thì Linh hồn không còn thấy nó đáng ham muốn nữa mà dẹp nó qua một bên, chỉ mang theo cái tri thức mà mình thu hoạch được. Đó là vì Linh hồn giống như con ong quanh quẩn bên đóa hoa; nó chẳng cần cứ luôn luôn ở với đóa hoa mà chỉ cần mật do đóa hoa chứa đựng; khi nó đã hút hết mật thì nó thấy đóa hoa không còn đáng mong muốn nữa. Và khi Linh hồn đã hút hết mật tri thức từ đóa hoa trần thế thì chính cái công dụng đau khổ khiến cho Linh hồn không còn cảm thấy ham muốn đóa hoa nữa, nó đã thu thập được từ đó mọi thứ cần thiết cho bài học cần học, sự đau khổ đã diệt được dục vọng, khiến cho Linh hồn bị quẳng lại hướng nội, quay về với chính mình. Nếu trong lúc nhàn rỗi mà bạn cứ suy gẫm về điều này thì tôi thiết tưởng bạn ắt chẳng thể nào phát minh ra được bất kỳ cách nào khác để diệt dục. Và nếu bạn chưa thể dẹp đi cái ham muốn đối với những sự vật của cõi hồng trần, thì bạn ắt chẳng bao giờ cảm nhận được cái sự thu hút trong nội tâm, trước hết hướng về những sự vật của tâm trí, nhiên hậu hướng về những sự vật của Sinh hoạt Cao siêu; đó mới chính là mục đích của việc Linh hồn tiến hóa để có được trải nghiệm về mọi thứ phải sinh ra trong thế giới này. Nhưng đau khổ còn có công dụng gì nữa? Chúng ta đã tìm ra hai công dụng: học hỏi về Thiên luật và dần dần diệt dục. Bài học kế tiếp mà chúng ta học được qua đau khổ là bản chất phù du của tất cả những gì không thuộc bản thể của chính Tinh thần. Nơi một trong nhiều kinh điển Ấn giáo, ta có thể đọc thấy cách thức mà Thần chết khi quan sát loài người và phiền muộn theo các phiền não của họ cũng phải khóc trước thân phận Con người. Và khi nước mắt của Diêm vương nhỏ xuống trần gian thì chúng biến thành bệnh tật và những nỗi khốn khổ gây tai ương cho loài người. Tại sao lòng trắc ẩn của Thần linh lại biến thành các tai họa để hành hạ con người? Những ẩn dụ này bao giờ cũng đáng được suy gẫm, bởi vì luôn luôn bên dưới bức màn che ẩn dụ có ẩn tàng một sự thật nào đấy đạt tới bạn một cách vững chắc nhất bởi vì chính cái tỉ dụ che khuất nó. Thần chết là gì? Có thể nói Thần chết là hiện thân của vô thường. Đôi khi ta nghe nói Diêm vương là đấng Hủy diệt; từ ngữ đúng hơn là đấng Tái sinh, bởi vì trong vũ trụ biểu lộ chẳng có điều gì giống như là hủy diệt. Bao giờ cũng thế, điều xét về mặt này là chết thì xét về mặt kia là sinh ra; và điều vốn là sự vô thường dường như hủy diệt thì xét theo một khía cạnh khác lại cung cấp hình tướng mới và hình dạng mới cho sự sống đang mưu cầu sự hiện thân. Thế là Diêm vương, Thần chết là đại biểu vĩ đại của sự vô thường: vô thường đánh dấu sự biểu lộ, vô thường vốn ở trong mọi thứ, ngoại trừ trong chính đấng Vĩnh hằng; và vì đấng vốn là vô thường khi hiện thể mà khóc thương cho loài người thì tự nhiên là những giọt nước mắt của Thần chết ắt phải là những điều dạy cho người ta bản chất phù du của tất cả những gì xung quanh mình. Và những khốn khổ, bệnh tật mà nước mắt của Thần chết biến thành chính là những bài học dưới dạng đau khổ mang lại giáo huấn hữu ích nhất cho mọi người; đó là không điều gì phù du có thể thỏa mãn được Linh hồn và chỉ bằng cách học bản chất phù du của sinh hoạt hạ giới thì Linh hồn mới quay sang cái điều trong đó có sự thỏa mãn và hạnh phúc chân chính. Vậy là giáo huấn về tính phù du của vạn vật chính là đối tượng của những giọt nước mắt này của Diêm vương, và Diêm vương bày tỏ lòng thương cảm sâu sắc nhất qua những bài học mà y mang tới cho nhân loại bằng đau khổ. Đó là vì chỉ bằng cách này, bằng bệnh tật và khốn khổ, bằng nghèo túng và phiền não, chúng ta mới học biết rằng vạn vật xung quanh mình chẳng những nơi thế giới vật lý mà còn nơi cõi dục vọng và nơi cõi tâm trí nữa – tất cả những thứ ấy đều vô thường và kẻ nào vốn thường trụ ắt chẳng bao giờ có thể an dưỡng nơi cái vô thường. Đó là vì trong thâm tâm thì chúng ta là đấng Vĩnh hằng chứ không phải là vô thường; trung tâm sinh hoạt của ta, chính Tự ngã bên trong ta vốn bất tử và vĩnh hằng, nó chẳng bao giờ có thể biến đổi hoặc chết được. Vì vậy không một điều gì vô thường lại có thể làm nó thỏa mãn; không một điều gì mà Thần chết chi phối lại có thể mang đến cho nó sự an bình và hạnh phúc tối hậu. Nhưng chúng ta phải học được bài học này nhờ vào đau khổ và chỉ khi học được như vậy thì ta mới có thể có niềm vui tối hậu. Vậy là Linh hồn cũng học được sự khác nhau giữa các giai đoạn vô thường; những bài học này phải học rất chậm và phải tốn mất nhiều kiếp mới hoàn tất được khóa học. Thoạt tiên, Linh hồn ắt không nghĩ tới đấng Vĩnh hằng vốn là điều mà mình phải an dưỡng nơi đó; nhưng nó sẽ học cách xoay chuyển từ cõi trần lên cõi trí, chuyển từ phần giác quan sang phần trí năng bởi vì cái này tương đối thường tồn hơn cái kia, và các hạnh phúc của tâm trí vốn lâu bền khi so sánh với những khoái lạc của cơ thể. Và trong lộ trình tiến hóa chậm chạp ấy thì người ta học được bài học này rất lâu trước khi đụng tới bài học về Tinh thần, và con người trở thảnh một tạo vật cao cấp khi nó học cách chế ngự được thú tính và tìm được sự thỏa mãn nơi tâm trí và trí tuệ, sao cho những khoái lạc của năng khiếu thẩm mỹ khống chế được khoái lạc của cơ thể; những khoái lạc của tâm trí và trí năng, trí tuệ hấp dẫn hơn các khoái lạc của những giác quan hạ đẳng.

Thế là con người dần dần tiến hóa đến tận ngày nay, công trình tiến hóa vĩ đại của cơ tiến hóa nhân loại hiện giờ - chỉ nói tới cơ tiến hóa của nhân loại trung bình - không phải là tiến hóa Tinh thần mà là tiến hóa của bộ phần tương đối thường tồn so với các giác quan và cơ thể mà ý thức tỉnh táo của con người vẫn còn đang hoạt động trong đó. Điều này nghĩa là kẻ phàm phu cần làm việc xoay chuyển những ham muốn từ cái phù du sang cái tương đối thường tồn, và tốt hơn là nên trau dồi tâm trí, trí tuệ và khía cạnh nghệ thuật của Thiên nhiên, thay vì mưu cầu việc thỏa mãn các giác quan mà mình có chung với các dạng sự sống động vật thấp hơn. Những đấng nào đang giúp cho cơ tiến hóa nhân loại đều bỏ qua sinh hoạt của thể xác và đang rèn luyện mình theo sinh hoạt của tâm trí, họ đang mưu cầu điều tương đối thường tồn; mặc dù đến lượt thì điều này cũng tỏ ra là phù du, thế nhưng nó vẫn là một bước tiến thu hút ham muốn từ thể xác lên tới tâm trí, từ các giác quan lên tới cơ quan nội tại, từ các cảm giác lên tới các ý tưởng và ảnh tượng; và đó là một phần trong trải nghiệm của Linh hồn đang thu hút, tách mình ra khỏi các giác quan rồi định cư trong một thời gian nơi các cơ quan nội tại là tâm trí. Thế rồi các cơ quan nội tại ấy cũng tỏ ra chỉ sản sinh những sự việc phù du. Thế nhưng, ta thấy đã hoạch đắc được lợi ích lớn xiết bao; vì sự xung đột giữa nhân quần là khi ham muốn chuyển sang trí tuệ, cơ quan nội giới, thay vì là những sự vật bên ngoài thuộc giác quan. Những sự vật thuộc giác quan vốn giới hạn, và con người chiến đấu chống lại với nhau để tranh giành phần chia với một số lượng giới hạn. Và giữa nhần quần không có sự xung đột về chúng; bởi vì không ai nghèo đi khi huynh đệ của mình giàu lên do có năng khiếu về nghệ thuật hoặc trí thức; không ai có phần chia của mình giảm bớt đi bởi vì phần chia của huynh đệ mình lớn hơn. Và thế là nhân loại tiến từ việc cạnh tranh sang việc hợp tác để học được bài học về Tình Huynh Đệ; ta càng phong phú hơn về trí năng thì càng có thể ban ra và càng ít cần phải gây hiềm khích xét vì ta đang tiến lên tới Sự Sống Cao Siêu khi mọi thứ đều ban phát ra và chẳng ai muốn chụp giựt cho bản ngã của mình. Đó là vì trong cái vùng trung gian trí năng, thị hiếu cao cấp và xúc động này không cần phải bo bo giữ lấy mà tất cả đều có thể chia xẻ điều mà mình có, và sau khi chia xẻ thấy mình phong phú hơn chứ không nghèo nàn hơn vì việc ban ra.

Nhưng ngay cả lúc bấy giờ thì ta cũng phát hiện sự thỏa mãn không ở nơi hướng đó vì nó vẫn mang bản chất ham muốn. Tôi xin dừng lại một lúc ở vấn đề này. Toàn bộ phương hướng sinh hoạt của bạn ắt tùy thuộc vào việc ngộ ra cái nguyên lý giờ đây tôi sắp trình bày với bạn. Nếu bạn mưu tìm việc thỏa mãn ham muốn thì bạn ắt chẳng bao giờ tìm thấy được hạnh phúc, bởi vì mọi ham muốn được thỏa mãn đều sinh ra một ham muốn mới và bạn càng thỏa mãn ham muốn bao nhiêu thì càng có nhiều cái miệng há hốc ra đòi hỏi bạn lấp đầy nó bấy nhiêu.

Một kinh điển cổ truyền có nói:

“Cũng giống như việc đổ dầu vào lửa không dập tắt được lửa; cũng vậy muốn diệt dục không thể cung cấp cho nó những mục tiêu ham muốn khác”.

Câu nói trên rất đáng để cho bạn cân nhắc suy tư lâu dài. Đó là vì nếu hạnh phúc không ở nơi đường lối ấy thì đại đa số mọi người nhất là ở những xứ văn minh đều đang đi sai đường để theo đuổi hạnh phúc; họ sẽ chẳng bao giờ đạt được tới nó theo con đường mà họ đi trên đó. Và nếu bạn để ý thấy yêu cầu của sinh hoạt hiện đại thì luôn luôn là có thêm những cái sự vật mà người ta đã sở hữu rồi, nghĩa là nhân bội lên những đối tượng ham muốn, thế là tiếp tục gia tăng những điều khao khát vốn không thể thỏa mãn được. Tôi có thể trình bày nó dưới một dạng khá thô thiển xuất hiện trong tâm trí mình, bởi vì một ngày giờ nào đó nó có thể được trích dẫn là một minh họa của phương thức để cho sự hẹp hòi của tư tưởng gây ra cái ý niệm cùng một sinh vật càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa. Bạn hẳn nhớ câu chuyện kẻ nhà quê được hỏi điều gì ắt làm y hạnh phúc hoàn toàn thì y đáp: “Ngồi đong đưa ở nơi cổng, suốt ngày nhai nhồm nhoàm thịt đùi mỡ”. Thế rồi người ta lại hỏi y: “Giả sử bạn có thể có một điều gì đó nhiều hơn mức khiến cho bạn hạnh phúc thì bạn mơ ước điều gì?” Y lại đáp: “Ngồi đong đưa nơi cổng nhiều hơn nữa và nhai nhồm nhoàm nhiều thịt đùi mỡ hơn nữa”. Thế mà đó là cái cách thức thô thiển để trình bày vấn đề; nhưng đây cốt lõi là lời giải đáp mà đa số mọi người thực hiện. Cứ cho họ có một ham muốn cao siêu hơn việc ngồi đong đưa nơi cổng nhai nhồm nhoàm thịt đùi mỡ; nhưng nguyên tắc ham muốn của họ cũng giống hệt như nguyên tắc của kẻ nhà quê, nghĩa là họ muốn có nhiều hơn những thứ mà họ đã sở hữu rồi, và họ không ngộ ra được rằng hạnh phúc không ở nơi việc gia tăng thỏa mãn ham muốn mà ở nơi việc chuyển hóa ham muốn về sự phù du thành ra hoài bão về sự Vĩnh hằng, và việc hoàn toàn biến đổi bản chất từ chỗ mưu cầu hưởng thụ sang chỗ mưu cầu ban ra. Và nếu điều này là đúng thì trong khi mưu cầu hạnh phúc tốt hơn, ta nên xét xem ta nên đi theo con đường nào. Đó là vì nếu ta đang đi theo con đường thỏa mãn ham muốn thì cho dù ta có làm cho nó tinh vi đến đâu đi chăng nữa thì ta cũng đang bước trên con đường hầu như là một vòng tròn vô tận, và điều đó bao giờ cũng khiến cho ta bất mãn chứ chẳng bao giờ mang lại cho ta niềm cực lạc vốn là mục đích tự nhiên của Tinh thần nơi con người.

Vậy là sau một thời gian do không được thỏa mãn, nghĩa là đau khổ, Linh hồn mới ngộ ra được rằng đó đâu phải là con đường và đâm ra mệt mỏi với sự vô thường. Mọi đối tượng ngoại lai thuộc thân xác và tâm trí mất đi sự hấp dẫn; mệt mỏi trước sự vô thường mà mình tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trong hạ giới, Linh hồn không còn hướng ngoại nữa mà xoay chuyển mặt vào bên trong và bên trên. Nó đi ra ngoài tới tận các giác quan và đã thất bại; thế rồi nó rút vào tâm trí nhưng theo quan điểm của Tinh thần thì cái trí vẫn hướng ngoại cho nên nó lại thất bại nữa; nó luôn luôn bị đau khổ đánh bật lại, luôn luôn bị thất bại đánh bật lại, đó mới là nỗi đau khổ gây chán nản nhất. Thế rồi cuối cùng, nó học được bài học và chuyển ra khỏi cái ở bên ngoài, nó hướng nội để rồi bắt đầu tìm thấy sự yên bình, bước đầu tiếp xúc với thực tại, thỏa mãn được điều cốt yếu.

Còn một công dụng nữa của đau khổ, giờ đây là một bài học mang tính nội tâm hơn bởi vì ta đã đạt tới mức mà Linh hồn phân biệt được mình với thể dục vọng và ngay cả với tâm trí nữa. Thế nhưng nó chưa lọt ra khỏi tầm ảnh hưởng của đau khổ bởi vì nó chưa hoàn toàn tìm được tâm điểm của chính mình, nó vẫn còn đang tìm kiếm cái gì tịch lặng; và mặc dù nó biết mình không phải là cơ thể, không phải là giác quan, không phải là tâm trí, nhưng nó vẫn thấy mình thụ cảm với đau khổ xuất phát từ bên trong, mẫn cảm với những chuyển dịch thành đau khổ. Và khi bước vào tiếp xúc với những người khác – với những xúc cảm, tư tưởng và phán đoán của những người khác – nó thường xuyên thấy mình đau khổ do bị phán đoán sai lầm, chuyển dịch sai lầm bởi những tư tưởng và xúc cảm không tử tế; và nếu đến lúc này Linh hồn đã có được Minh triết – nó ắt phải có minh triết nếu nó đi theo con đường mà chúng ta đã dõi theo – thì nó ắt bắt đầu thắc mắc: Tại sao tôi vẫn còn cảm thấy đau khổ? Có cái gì không ở bên ngoài mà ở ngay chính tôi đã gây ra sự đau khổ ấy. Đó là vì giờ đây nó đã vượt quá mức vô minh cho rằng ngoại vật dường như là tác nhân gây đau khổ, rồi nó liên hệ với bản thân, cái yếu tố gây đau khổ để ngộ ra rằng ngoài chính nó thì không thứ gì đụng chạm tới nó được; thật ra nó chịu trách nhiệm về mọi thứ. Và nếu nó cảm thấy đau khổ thì nguyên nhân của đau khổ ắt ở nơi chính nó, chứ xét cho cùng không ở nơi ngoại vật; đó là vì nếu Linh hồn đã toàn bích rồi thì không điều gì ngoại lai có thể tìm được cơ hội gây đau khổ cho nó, và nếu nó cảm thấy đau khổ thì đó là dấu hiệu của sự không toàn bích, nghĩa là nó chưa hoàn toàn triệt thoái khỏi bản chất thấp hèn vốn không phải là chính nó. Thế rồi nó bắt đầu vận dụng đau khổ thay vì chỉ cảm thấy đau khổ, và giữa đôi bên có sự phân biệt. Nó không còn bị đau khổ khống chế mà túm lấy đau khổ dùng làm công cụ phục vụ cho mục đích của riêng mình; khi nó thấy đau khổ - là bảo điều này bắt nguồn từ hoạt động không tử tế hoặc phán đoán sai lầm về động cơ thúc đẩy hoặc cách ứng xử - thì Linh hồn túm lấy đau khổ như một nhà điêu khắc cầm con dao đục đẽo và dùng dụng cụ đau khổ này đâm vào phàm ngã của chính mình. Đó là vì Linh hồn biết rằng nếu phàm ngã mà không ích kỷ thì nó ắt chẳng cảm thấy đau khổ gì hết, và nó có thể dùng đau khổ làm một con dao đục đẽo để gọt dũa nhược điểm này của phàm ngã; do đó vẫn cứ thanh thản như như bất động giữa những mâu thuẫn của thế gian.

Đó là vì đối với những bậc nào đã vượt lên trên phàm ngã, những Linh hồn cao cả và giải thoát mà chúng ta gọi là Chơn sư, các ngài luôn luôn làm việc cho thế gian, bất kể thế gian phán đoán sai lệch về mình đến đâu đi chăng nữa. Một trong các Chơn sư có bảo rằng: “Chúng ta cảm thấy sự nói xấu và chỉ trích của nhân loại cũng giống hệt như đỉnh Hi mã lạp sơn cao vòi vọi cảm thấy con rắn phun phì phì quanh chân núi”. Không phàm ngã nào bị tổn thương bởi sự phán đoán lệch lạc, không có phàm ngã nào bị sự xuyên tạc gây đau khổ. Các ngài ban phước và kẻ được ban phước chẳng biết phước ấy từ đâu mà ra; trong khi vô minh người ta chế nhạo hoặc khinh bỉ, hoặc buộc tội các Chơn sư mà chẳng biết các ngài là ai, rồi còn suy bụng ta ra bụng người. Liệu các ngài có bị tổn thương chăng? Không đâu, các ngài đáp lại sự xuyên tạc bằng lòng thương xót, các ngài đáp lại sự sỉ nhục bằng sự tha thứ bởi vì nơi các ngài chẳng có điều gì bị xuyên tạc làm tổn thương được; các ngài chỉ có thể cảm thấy thương xót cho kẻ nào thật mù quáng không thấy đường, thương xót cho người anh em mù lòa do suy nghĩ lệch lạc mà gây phương hại tới Linh hồn của chính mình. Mặt trăng không bị tổn hại bởi bất cứ kẻ nào ném bùn lên nó, bùn ắt sẽ rơi xuống kẻ ném bùn làm vấy lên bộ quần áo của y; ánh sáng mặt trăng vẫn còn trong lành không bị bùn đất gây ô uế. Và thế là khi Linh hồn tăng trưởng hướng về ánh sáng thì nó dùng đau khổ làm một công cụ để tiêu diệt phàm ngã và những chuyện tinh vi thuộc phàm ngã, mà ngay cả một Linh hồn dũng mãnh cũng có thể không thấy được. Linh hồn coi đau khổ là cái thông điệp từ bi nhất để cho mình biết nhược điểm của chính mình, lỗi lầm của chính mình và sai sót của chính mình. Đó là vì khi ta tăng trưởng về kiến thức thì ta ắt ngộ ra được rằng kẻ thù tồi tệ nhất của mình không phải là lỗi lầm bên ngoài ta có thể nhận ra được, mà là sự mù quáng bên trong vốn không thấy được chỗ nào là nguy hiểm và cũng chẳng biết là mình đang mù lòa. Khi sa đọa bạn hãy biết mình đang sa đọa thì nguy cơ ấy nhỏ nhoi thôi, chỉ khi bạn sa đọa mà chẳng biết mình đang sa đọa thì kẻ thù của Linh hồn mới hân hoan reo mừng. Và nếu sự sa đọa ấy có gây ra đau khổ thì nỗi đau khổ ấy thật đáng hoan nghênh bởi vì việc ấy nói lên được điều nguy hiểm và giúp cho ta sáng mắt sáng lòng về cái sự sơ suất mà ta đã thực hiện. Bằng cách đó, đau khổ theo như tôi nói không còn là tai ương nữa, nó được hoan nghênh là những lời cảnh báo và là một công cụ để cho Linh hồn có thể vận dụng được; giờ đây nó là con dao của y sĩ giải phẫu cắt bỏ đi chỗ nào gây nguy hiểm; cho nên nó không còn bị chống cự coi là kẻ thù, mà được hoan nghênh coi là bằng hữu.

Thế nhưng đau khổ còn có một công dụng khác nữa mà giờ đây do Linh hồn đã giải thoát tự nguyện chọn lựa; Linh hồn muốn được dũng mãnh không phải để tự mình đứng vững mà để trợ giúp thế gian, Linh hồn ấy đã ngộ ra rằng mình phải sống vì người khác và biết rằng mình chỉ có thể học được cách sống vì người khác nhờ đã tự lực cánh sinh. Lúc bấy giờ nó sẽ tự nguyện chọn đau khổ bởi vì chỉ có như vậy nó mới học được tính nhẫn nhục; nó ắt chọn lựa đau khổ bởi vì chỉ có như vậy thì nó mới học được tính kiên nhẫn. Những kẻ nào chưa bao giờ đau khổ ắt luôn luôn vẫn còn yếu đuối, và chỉ trong trận chiến đấu căng thẳng ác liệt thì Linh hồn mới học được tính nhẫn nhục, mặc dù nên nhớ rằng chiến đấu vẫn còn là một dấu hiệu yếu đuối. Nếu chúng ta thật mạnh thì chúng ta ắt chẳng cần chiến đấu, nhưng ta chỉ có thể đạt được sức mạnh mà không cần phải chiến đấu qua sự ác liệt của chiến đấu, bởi vì lúc bấy giờ sức mạnh mới dần dần thấm vào Linh hồn và điều đã từng là lo lắng và phấn đấu ắt trở thành thanh thản, bình tĩnh khi ta có sức mạnh toàn bích.

Và còn một điều khác nữa mà Linh hồn đã chọn phải đau khổ, đó là ‘nó có thể học được sự đồng cảm’. Ấy là vì ngay cả Linh hồn dũng mãnh cũng ắt trở nên vô dụng nếu nó không học được sự đồng cảm. Không đâu, Linh hồn dũng mãnh cũng có thể khá nguy hiểm hơn bất cứ thứ nào khác nếu nó đã trở nên dũng mãnh mà không có lòng từ bi vì nó đã học cách thu hút sức bình sinh lại trong khi chưa học cách hướng dẫn sức bình sinh ấy đi cho đúng hướng. Đó là vì sức mạnh vốn chỉ đầy bạo lực thôi mà không có lòng từ bi thì có thể là chà đạp thay vì cứu độ mọi thứ mà nó có thể đã làm tan nát, có thể nói tâm hồn của Linh hồn sẵn lòng vươn lên. Sức mạnh mà không được điểm xuyết bằng sự đồng cảm vốn sắc sảo hơn mọi tầm nhìn và chính là trực giác của Tinh thần thì sức mạnh ấy có thể được dùng cho ác ý chứ không để trợ giúp. Nó có thể gây phương hại ở bất cứ nơi đâu mà nó muốn trợ giúp và có thể đè bẹp ở bất cứ nơi đâu mà nó muốn cứu độ. Và thế là nó càng mạnh bao nhiêu thì Linh hồn càng hăng hái bấy nhiêu nhằm mưu cầu bài học đau khổ này để cho nhờ vào xúc cảm, nó có thể học cách cảm nhận, và nhờ đau khổ của bản thân, nó có thể học cách chữa lành những đau khổ của thế gian; bằng không thì ta chẳng thể học được gì. Chúng ta phải được kiến tạo từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài và mọi đau khổ mà ta có do bất toàn có thể nói là những viên đá mà ta dùng để cuối cùng xây dựng nên đền thờ Tinh thần toàn bích. Rốt cuộc trong cứu cánh ắt không có đau khổ, nhưng khi xây dựng ắt phải có đau khổ; vì vậy người Đệ tử chọn Con Đường Khốn Khó, bởi vì chỉ nhờ vào khốn khó học được lòng từ bi và chỉ khi y xao xuyến với mọi sự tiếp xúc từ vũ trụ ngoại lai thì y mới có thể ở tâm của vũ trụ ấy, có thể phóng ra những sự xao xuyến đáp ứng bằng cách chữa trị, nó sẽ đi xuyên suốt qua mọi sự sống biểu lộ và mang theo mình thông điệp về sự hữu ích và sức mạnh.

Vậy là ta có nhiều công dụng của đau khổ, mặc dù ta có thể tìm được nhiều công dụng khác nữa. Và cho dẫu tôi chỉ rút ra một vài thí dụ hiển nhiên và đơn giản, thế nhưng khi nói ra thì chúng cũng hữu ích. Nhưng cứu cánh là gì mới đươc chứ? Phải chăng đó là số phận tối hậu của Linh hồn? Phải chăng đau khổ chẳng còn công dụng nào khác nữa? Phải chăng đau khổ là bầu hào quang tự nhiên của Tinh thần? Kẻ nào tin rằng phiền não là cứu cánh của vạn vật thì kẻ đó ắt sai lầm. Kẻ nào tin rằng đau khổ và phiền muộn quả thật là bầu hào quang mà Tinh thần sinh hoạt trong đó thì họ cũng sai lầm. Tinh thần là cực lạc chứ đâu phải là phiền muộn; Tinh thần là niềm vui chứ đâu phải là đau khổ; Tinh thần là an bình chứ đâu phải là đấu tranh; bản chất cốt lõi của vạn vật là tình thương, là niềm hoan hỉ, là an bình; con đường đau khổ chỉ là con đường chứ không phải là mục tiêu, Con đường Khốn khó chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Đó là vì từ cái Đại dương Chí phước, nơi phát nguyên ra vũ trụ, tình thương và an bình và niềm hoan hỉ không ngừng tuôn ra, đó chính là di sản của Tinh thần vô hiện. Đau khổ vốn ở nơi những lớp vỏ mà Tinh thần khoác lấy chứ không ở nơi bản chất cốt lõi của Tinh thần.


Trong khi phấn đấu sinh hoạt, bạn đừng bao giờ quên điều đó! Đừng bao giờ để cho sự đau khổ mù quáng đi trước niềm vui, đừng để cho những nỗi lo âu thoáng qua khiến cho bạn không ý thức được niềm cực lạc vốn là bản thể cốt lõi của Tự tại. Đau khổ chỉ là phù du còn cực lạc lại vĩnh hằng; bởi vì cực lạc là bản thể nội tại của Brahman, Tự ngã của vạn vật. Do đó khi Tinh thần tiến bước, khi Tinh thần trở nên tự do hơn thì an bình thế chỗ cho đấu tranh, và niềm hoan hỉ thế chỗ cho sự đau khổ. Ta hãy ngước nhìn lên gương mặt cao nhất: quả thật có dấu vết của đau khổ, nhưng đau khổ ấy đã qua rồi và đã được chuyển hóa thành sức mạnh, thành sự đồng cảm và lòng từ bi; đó là một niềm vui sâu sắc vô tận. Đó là vì lời cuối cùng của vạn vật là Cực lạc; thành quả tối hậu của Nhân loại là an dưỡng, an dưỡng một cách hữu thức trong hạnh phúc. Và mọi thông điệp của đau khổ chỉ là để cho Tinh thần có thể được giải thoát; cứu cánh là cứu cánh an bình và khía cạnh biểu hiện của an bình là hoan hỉ.
 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT