BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

TẦM NHÌN TRONG SÁNG VÀ SỰ SỐNG LÀNH MẠNH

Trong mọi cây cối, trong tiếng hót líu lo của con chim, trong loài côn trùng và khoáng thạch, ở trên trời và ở dưới nước, đâu đâu cũng có sự mỹ lệ tuyệt vời. Mỗi nguyên tử và mỗi sinh vật đều là một sự nhiệm mầu đầy ý nghĩa và rất dễ thương. Người ta càng biết nhiều về giải phẫu cơ thể, về sinh lý, về các hoạt động, và mối quan hệ của nó với những tạo vật khác, thì người ta càng sửng sờ về sự nhiệm mầu của Thiên nhiên. Một cái mạng nhện với những sợi tơ nhện có hình dáng đối xứng và màu sắc rực rỡ, khi xét về tỉ lệ ắt có sức bền còn lớn hơn nhiều so với những kiến trúc đồ sộ của con người. Cái con nhện nhỏ bé đó bản thân nó là một điều gì mỹ lệ, cứ sáng tạo và tái sáng tạo thoải mái. Cái hạt giống cây đa bé tí xíu lại mọc lên thành một cây đa đồ sộ; đứa trẻ lạc loài trở thành một người nam hoặc nữ trưởng thành. Sự tăng trưởng, sự sống và sự chết cũng đều là những phép nhiệm mầu. 

Bạn ắt thấy một chiếc lá đã chết rồi, nó màu vàng và màu đỏ tươi, một chiếc lá rụng vào mùa thu. Chiếc lá đó đẹp xiết bao và khi nó chết cũng đơn giản xiết bao, sống động xiết bao, vì nó chứa đầy vẻ đẹp và tràn trề nhựa sống của trọn cả cái cây vào mùa hè.

Như vậy vẻ đẹp có ở khắp mọi nơi, khi các sự vật chết đi, khi chúng tăng trưởng cũng như khi chúng được sinh ra.


Vẻ đẹp có ở trong những hình tướng và màu sắc, trong âm thanh và kết cấu, trong những sự vật mà chúng ta nhận thức được bằng giác quan, nhưng vẻ đẹp cũng có nơi những sự vật mà ta chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là sự tương quan của vạn vật, những chức năng mà chúng ta thực hiện cùng với những mục đích ẩn tàng của mình. Một Chơn sư đã viết rằng:

Thiên nhiên đã nối kết mọi bộ phận thuộc cõi giới của mình bằng những sợi chỉ mảnh mai của sự đồng cảm do hấp dẫn và thậm chí có cả một mối tương quan giữa một ngôi sao với một con người.

Vẻ đẹp là một biểu hiện hoặc một khía cạnh của một ý nghĩa ẩn tàng không liên quan tới những ham muốn hoặc nhu cầu của bất kỳ ai. Nó vốn thiết yếu đối với mỗi sinh vật. Ý nghĩa của một cái cây không phải ở nơi việc nó có công dụng để làm nhiên liệu; giá trị của một con chiên không phải ở nơi nó dùng để ăn thịt. Mục đích và giá trị vốn cố hữu như Thomas à Kempis có nêu rõ:

Chẳng có một tạo vật nào bé nhỏ và hèn mọn đến nỗi mà nó không biểu diễn được lòng tốt của Thượng Đế.

Ở đây ông có gợi ý nói rằng vẻ đẹp vốn cố hữu nơi cội nguồn của sự sống, tức là Thượng Đế.

Con người là một bộ phận của thế giới Thiên nhiên, nó thật là dễ thương, tràn đầy ý nghĩa với những mối quan hệ tinh vi nhưng chúng ta nào có biết đâu và đó chính là bi kịch của chúng ta. Người ta dạy cho ta tin rằng ‘thế giới’ là cái thế giới mà chúng ta đã tạo ra và xây dựng những công trình kiến trúc, đường rầy xe lửa, những phép lạ về điện tử, những định chế chính trị, cấu trúc xã hội, chiến tranh, chia rẽ và v. v. . . Tất cả mọi điều này đều là xã hội của loài người, nhưng đối với hầu hết mọi người thì đây chính là ‘thế giới’.

Ngày nay, đối với hàng triệu người đang sống ở vùng đô thị thì Thiên nhiên vật lý là nghìn trùng xa cách. Họ chẳng biết điều gì ngoại trừ đường phố, tiếng ồn ào và sự vật nhân tạo. Ngay cả những người sống trong lòng Thiên nhiên ở vùng thôn quê cũng lại chẳng biết gì, vì sự nghèo đói đã bắt buộc họ phải lao động quần quật từ sáng đến tối. Vì họ nghèo cho nên đối với họ, mọi thứ đều là một đồ vật để chiếm hữu và sử dụng. Những người khác bị chế định về mặt tư tưởng khi nghĩ rằng điều quan trọng trong cuộc sống là phải phấn đấu để cải thiện bản thân đến nỗi mà họ bị giam hãm trong cái hoạt động qui ngã (self centred) của riêng mình và chẳng biết gì tới thế giới thực sự.

Đối với mỗi người thì thực tại đều khác nhau. Điều có thực đối với người này lại không có thực đối với người khác. Khi một người có nguy cơ ngay trước mắt sẽ bị mất mạng, nếu sự an toàn cốt ở việc phải buông bỏ tài sản thì tài sản đâu còn có ý nghĩa thực tại như trước kia nữa. Tiếc thay, người ta cứ tưởng rằng ‘thực tại’ của mình là chắc chắn và vì vậy họ mới xem xét một cách nghiêm túc và không bao giờ thắc mắc về những ham muốn và xung đột, lo âu, bực tức, hi vọng và thất vọng, thù ghét và căng thẳng của mình.

Xã hội loài người có những qui tắc của riêng mình giống như một trò chơi túc cầu hoặc khúc côn cầu trong một khuôn khổ nhất định. Những qui tắc đó bảo rằng quả banh không được ra khỏi cái vùng sân đã kẻ vạch. Tại sao lại không ? Bởi vì trò chơi đã được tạo ra như thế và bất cứ ai chơi thì cũng theo qui tắc đó. Những qui tắc này không bắt nguồn từ sự thật hoặc nguồn gốc cao siêu; chúng thuộc về một hệ thống nhân tạo khiến cho người chơi có thể cạnh tranh, thắng hoặc thua. Xã hội loài người cũng giống như cái trò chơi với những qui tắc được xây dựng một cách nhân tạo như thế. Người ta có thể gọi chúng là luật lệ, song le chúng đã được bày đặt ra do qui ước, truyền thống, nhà cầm quyền hoặc các giáo sĩ dựng nên. Xã hội hiện đại bảo rằng bạn phải chiến đấu để được thành công, phải xếp ở hàng đầu, phải thụ đắc càng nhiều càng tốt.Cũng giống như những người đang tham gia vào trò chơi, khi trò chơi càng trở nên chộn rộn thì người chơi lại càng ít có thể thấy rõ được. Liệu một người chơi túc cầu trong khi trò chơi đang túi bụi lại có thể nào quan sát được một điều gì đó ở bên ngoài chăng ? Ta hãy yêu cầu y quan sát một con chim vỗ cánh bay thanh thản trên bầu trời. Y không thể làm được như vậy trong khi y còn đang chơi. Cũng giống như vậy, những người nào đang tham gia vào ‘trò chơi’, cho dù đó là chiến tranh, chính trị hoặc sự cạnh tranh kinh tế đều không thể thấy rõ được. Họ vốn không ý thức được sự xấu xa và tàn bạo của trò chơi, sự vô cảm mà nó tạo ra, sự ngây thơ bị nó làm mất đi. Họ cũng chẳng nhận thức được cái sự dễ thương ở bên ngoài cấu trúc của xã hội loài người. Đối với họ, ý nghĩa của cuộc sống thật là xa vời. Những công việc mà họ theo đuổi, những ý tưởng và ý thức hệ giống như những đám mây dày đặc che khuất mặt trời chân lý.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem theo quan điểm của óc suy xét phải trái bình thường thì thế nào là lành mạnh, thế nào là điên rồ. Điên rồ tức là không tiếp xúc được với điều thực sự tồn tại, điều chân thực. Kẻ điên nếm trải một thực tại không dính dáng gì tới sự thật. Khi một người nào đó tự xưng là Chúa Giê su Christ, là nữ hoàng Cleopatre hoặc Thánh Gandhi thì những người khác bảo rằng y bị điên vì ý tưởng đó chỉ tồn tại trong tâm trí y thôi, chứ không phải là một sự thật. Vì điều phi thực dường như là thực tại đối với y nhưng không được những người khác chia xẻ, cho nên điều phi thực đó được gọi là điên. Trong sự phóng chiếu tâm trí của một người điên thì ta thấy không có lý trí, lý luận, sự thủy chung như nhất và thứ tự. Sự phóng chiếu này ít liên quan tới thế giới thực tại, thế giới giá trị và thế giới ý nghĩa đến nỗi mà y không thể dấn thân vào một hành động hữu hiệu.

Liệu tâm trí của con người nói chung có khác hẳn với tâm trí của kẻ điên chăng? Nó cũng đầy dẫy những điều mâu thuẫn và phi lý. Nó vốn tách rời khỏi sự thật của Thiên nhiên mà chúng ta có nói đến với sự vinh diệu, ý nghĩa và sự lộng lẫy trong sự thật đó. Vì đại đa số loài người đều sống trong sự phi thực của những cuộc đấu tranh và tham vọng của mình, cho nên nó đâu phải là một thực tại có giá trị hơn. Bertrand Russel có nêu rõ rằng thiên hạ có khuynh hướng chấp nhận hành động của quần chúng chứ không chấp nhận hành động đó nơi một cá nhân. Khi cá nhân giết một người khác thì đó là một ‘sự sát nhân’, nhưng nếu khối quần chúng này giết khối quần chúng khác thì đó lại là ‘lòng ái quốc’. Tương tự như vậy, nếu tâm trí của một người không hợp lý hoặc không trước sau như một và không liên quan tới những sự thực thì người ta bảo rằng y bị điên. Nhưng vì hết mọi người đều hành động như vậy cho nên chẳng ai dám bảo như vậy là điên. Nhưng đó quả thật là điên. Trong mọi hệ thống tôn giáo và xã hội đều rành rành có những sự tiền hậu bất nhất và mâu thuẫn. Tín đồ Ấn giáo tôn vinh phát biểu trong Áo nghĩa thư theo đó tất cả là Brahman, là chân lý tối thượng, thế nên người Ấn Độ lại tạo thành một hệ thống những kẻ thuộc giai cấp hạ đẳng, trừng phạt và làm nhục những bà góa phụ, như vậy họ đã chứng tỏ rằng mình điên. Những nhóm khác đã giết người nhân danh tình thương, tôn giáo và giáo chủ của mình. Các chính quyền khuyến khích việc trồng thuốc lá và tiếp tay cho nhân dân mắc bệnh tật để rồi lại đảm đương những đề án cứu chữa bệnh nhân. Người ta thích dùng thực phẩm đã bị lấy hết chất dinh dưỡng nhưng lại được tăng cường vitamin . . . Mọi địa hạt sinh hoạt chính trị, giáo dục, xã hội, kinh tế và cá nhân, khắp nơi trên thế giới đều có những bằng chứng nổi bật về những hoạt động phi lý đó cho ta thấy con người không thể nhìn ra được những mâu thuẫn như vậy. Phải chăng con người chỉ là những đứa trẻ xây dựng tòa nhà trên bãi cát để bị sụp đổ, hoặc những kẻ tâm thần phân liệt bị giằng co bởi những mâu thuẫn nội tâm ? Chúng ta ắt chẳng thích phát hiện ra nơi bản thân những yếu tố ấu trĩ hoặc điên rồ đó, nhưng có lẽ là chúng tồn tại.

Khi chúng ta có ý thức về những sự kiện này thì ta ắt phản ứng ra sao ? Nói chung thì ta ắt có một sự thôi thúc muốn làm một điều gì đó về việc này. Hành động là điều mà hầu hết mọi người đều tin tưởng, nhưng hành động của họ vốn bắt nguồn từ một tâm trí chẳng biết đâu là sự thực. Mỗi người chỉ thấy một mẩu nhỏ trong chừng mực mà nó có ảnh hưởng tới mình. Cái bộ óc thú vật nơi con người vốn được kế thừa từ quá khứ xa xăm chỉ có thể hành động theo phản xạ. Ngay cả khi một người dừng lại để nhận biết xem mình đang làm gì thì hầu như y thường là không thực sự suy gẫm, mà chỉ xào xáo lại những y tưởng đã được làm sẵn, được thu thập từ đây đó để rồi được tụ tập lại trong cái khuôn khổ phi lý thuộc nội dung của tâm trí. Do đó hành động được xúc tiến mà không có sự hiểu biết. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều nhà cách mạng, nhiều nhà lý tưởng và nhiều nhà cải cách, thế giới vẫn đi theo con đường điên rồ, có lẽ hướng về sự hủy diệt. Nếu không có chánh kiến vốn là sự hiểu biết, nếu không biết được sự toàn vẹn và bản chất chân thực của sự vật, thì hành động chỉ là mù quáng và nó sẽ hủy diệt sự nhạy cảm. Như vậy, người ta dần dần càng trở nên ít có khả năng xem xét và quan sát, ít có khả năng nhận biết được vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống, ít có khả năng học được sự thật là thế nào.

Người ta thường nỗ lực hướng về việc trở thành một điều gì đó, thành tựu, uốn nắn người khác, chế tác và bóp méo những mối quan hệ theo nhu cầu tiện lợi. Y muốn hành động và thành tựu theo kiểu này làm nảy sinh ra một ý tưởng giả tạo về lợi ích, vì cuộc sống dường như nhất thời viên mãn cho đến một biến cố hoặc một tai nạn, một tai họa không tiên liệu trước được làm sụp đổ ảo tưởng của con người. Sự ham muốn thành tựu là cha đẻ của sự sợ hãi, lo âu và đấu tranh. Nhà hiền triết Trung Quốc Trang tử có dạy rằng:

Tâm trí của bậc chân nhân giống như một tấm gương. Nó chẳng nắm bắt điều gì, nó chẳng trông mong điều gì, nó chỉ phản ánh chứ không ôm giữ. Do đó bậc chân nhân có thể hành động mà không cố gắng.

Hầu hết mọi người đều phấn đấu để làm cho cuộc sống có ý nghĩa bằng cách nắm bắt và ôm giữ. Đây là một nỗ lực chỉ hoài công thôi. Ý nghĩa có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Chúng ta chẳng việc gì phải ‘tạo ra’ ý nghĩa; chúng ta chẳng việc gì phải ‘tạo ra’ các mối quan hệ. Mối quan hệ là một phần của cuộc sống ở một mức độ sâu sắc và tinh vi cũng như ở mức độ bên ngoài.

Những người đang phấn đấu ‘làm việc’ cứ tưởng rằng những cuộc xung đột ở bên ngoài; đó là một phần sự mù quáng của họ. Chỉ khi nhìn kỹ thì người ta mới thấy rằng sự xung đột vốn ở bên trong. Các vấn đề cũng không ở bên ngoài mà ở bên trong. Như vậy, một người ghen tương thấy sự vật theo cơn ghen của mình; kẻ khiếp nhược tưởng tượng ra mọi điều nguy hiểm ở khắp nơi; kẻ kiêu hãnh thấy ở đâu cũng có sự xúc phạm. Khi người ta nghĩ rằng các vấn đề và sự xung đột đều ở bên ngoài thì người ta đâu có tự cho mình là chịu trách nhiệm. Họ không thấy rằng sự điên rồ của xã hội là do chính mình tạo ra. Nhưng chúng ta là xã hội, lúc nào chúng ta cũng đang tạo ra nó, các thái độ của ta đang xây dựng ngoại cảnh. Sự lẫn lộn và xâm lược vốn ở bên trong tâm trí của ta ắt bị dội lại với ta trong nhiều hình thức khác nhau và là cội nguồn của sự phiền não của ta. Tiếc thay, chúng ta lại không thấy như vậy. Chúng ta nghĩ rằng sự phiền não xuất phát từ đâu đó. Như vậy thật quan trọng là trước hết ta không nên hành động. Ta phải học cách nhìn thấy được cho rõ ràng. Đức Phật có dạy rằng, chánh kiến, tầm nhìn rõ ràng (samyak drishti) là bước đầu tiên của Đường Đạo. Nếu chúng ta không thể thấy rõ ràng, sâu sắc và rốt ráo, hiểu được trọn cả bản chất của thực tại, thì hành động của ta ắt sẽ tạo ra một môi trường xung quanh điên rồ. Chỉ kẻ nào thấy rõ được sự xấu xa của xã hội loài người lẫn vẻ đẹp của cuộc sống thì mới trải nghiệm được chân ý nghĩa mà không cần phải mưu cầu nó.

Chúng ta ít khi nhìn vào một cái cây, hoặc một trái núi, hoặc một người đồng loại, nhưng khi làm như vậy thì ta sẽ thấy được những điều gì ? Có lẽ ta chỉ thấy được hình tướng một cách không hoàn hảo mà không biết được sự sống bên trong hình tướng. Những tư tưởng trong quá khứ của ta đã kết tinh lại thành ra một hình ảnh hoặc một khái niệm rồi phóng chiếu chúng vào giữa tâm trí và sự thật vốn có thể ở trong một chiếc lá, một tảng đá, một con người, ở bất cứ nơi đâu và ở khắp mọi nơi. Và vì tư tưởng chen vào giữa cho nên sự vật có một dáng vẻ khác. Nội dung bên trong xuất hiện giống như sự vật bên ngoài và sự phóng chiếu của tâm trí xuất hiện giống như sự thật. Chỉ khi tâm trí giống như tấm gương mà Trang Tử có nói tới, không vướng bụi trần thì tâm trí mới thấy rõ. Chừng nào mà tâm trí còn chất đầy nội dung dưới dạng những phản ứng, ý tưởng, ý thức hệ, phán đoán, phân tích và v. v. . . , thì nó không thể phản ánh đúng sự thật. Như vậy, muốn thấy được rõ ràng thì tâm trí phải thanh khiết, tự do, không bị méo mó, không mâu thuẫn. Điều này có nghĩa là nó phải nhìn vào chính mình. Chính nhờ sự tự tri, nhờ sự hiểu biết được đang diễn ra bên trong tâm trí thì mới có sự minh bạch. Lúc bấy giờ tâm trí trở nên tự do hơn, thanh khiết hơn và có nhiều năng lượng hơn.

Những sự mâu thuẫn làm cho tâm trí mất đi sức sống. Sự lo âu, tham vọng, sự hiểu lầm v. v. . . là những dạng tinh vi của sự xung đột và do đó làm thất thoát năng lượng. Khi ta có được sự tự do và thanh khiết thì tâm trí mới có được sức mạnh lớn lao, thì nó mới có thể thâm nhập vào trong chính mình, cũng như thâm nhập vào trong bản chất và ý nghĩa của cuộc sống. Ta hãy lại nghe Thomas à Kempis nói một lần nữa:

Con người càng hiệp nhất bên trong bản thân, trở nên đơn giản và thanh khiết trong nội tâm thì y càng dễ dàng hiểu được những điều cao siêu hơn vì nhờ đó y đã nhận được ánh sáng trí tuệ từ bên trên.

Những điều chất chứa trong tâm trí, những điều mâu thuẫn và phán đoán, những ý tưởng và sự đấu tranh tất cả đều là bản ngã. Đó là cái thực chất mà bạn có thể gán cho nó một lý lịch, bạn nhớ tới nó và bảo rằng ‘đây là tôi’. Nhưng cái lý lịch đó vốn chẳng dựa trên điều gì cả. Cái bản ngã mọi người tuyệt vọng bám lấy mà y nghĩ tới rất nhiều, lại chính là một phần của sự điên rồ. Bởi vì nó mong manh xiết bao, là một thứ phù du chẳng ra gì cả, cho nên nó phải không ngừng phấn đấu để duy trì, khằng định và tự xây dựng mình. Vì đang phấn đấu như vậy cho nên nó không thể thấy rõ được; do đó không thể có một sinh hoạt lành mạnh. Như ta đã lưu ý, sự điên rồ bắt nguồn từ việc không thấy rõ. Do đó, khi sự vỗ ngực xưng tên đã giảm bớt thì mới có sự lành mạnh, sự toàn vẹn, tầm nhìn trong sáng và việc khám phá ra ý nghĩa và vẻ đẹp.

Những người biết suy tư thường thắc mắc: ‘Đâu là ý nghĩa của cuộc sống’ ? Kẻ chẳng biết suy nghĩ cứ tưởng rằng mình có thể đạt được ý nghĩa bằng cách thành tựu một điều gì đó; đôi khi họ cố gắng tìm ra ý nghĩa nơi vợ con. Nhưng ta không cần tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Khi ngắm nhìn mặt trời lặn có ai thắc mắc ‘Đâu là ý nghĩa của mặt trời lặn’ chăng ? Tự thân vẻ đẹp đã có ý nghĩa rồi. Buổi hoàng hôn vốn có và thế là đủ rồi. Tất cả trong cuộc sống đều cũng như thế cả. Chúng ta càng quay ngoắc đi và xây dựng một thế giới nhân tạo với những qui tắc của riêng mình để tham gia vào một trò chơi, thì chúng ta càng ít được ban phúc qua việc trải nghiệm chân ý nghĩa. Nhưng khi tự hiểu biết được mình và có tầm nhìn trong sáng, thì ta mới có thể mở toang ra một thế giới hoan lạc và mỹ lệ, tốt đẹp, và linh phước hằng mới mẻ mà trước nay ta chưa hề biết tới.

---------------------------

Từ bi không phải là thuộc tính. Đó là Qui luật của các Qui luật, là sự Hài hòa vĩnh hằng, là Chơn ngã A lại da, là bản thể vô biên của vũ trụ, là ánh sáng của điều Đúng đắn đời đời, là sự thích ứng của vạn vật, là qui luật của tình thương vĩnh hằng.
 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT