BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Diệt Đa Cấp Bất Chính: Cần Phạt Thật Nặng!

Đa cấp núp bóng từ thiện
Công ty CP Thương mại Nano (P307 - 312, Tòa nhà Machico 1, 10 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) lập Quỹ Tấm lòng vàng, lôi kéo người tham gia ủng hộ với mức 2.000.000 đồng/tháng, được gọi là Cộng tác viên kinh doanh. Người tham gia được bán sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty, bắt buộc duy trì doanh số và giới thiệu người gửi ký quỹ với lãi suất 3,2 - 3,5%/tháng. Cộng tác viên giới thiệu thành viên mới sẽ được thưởng với chế độ trả thưởng theo sơ đồ 3 chân. Để nhận thưởng, tháng thứ nhất cộng tác viên phải giới thiệu ít nhất 3 người mới.
Điều kiện thưởng gián tiếp là khi xuất hiện tầng dưới tuyển dụng thành công 3 người, hoặc cộng tác viên phải tiếp tục ủng hộ để duy trì cơ hội kinh doanh.
Công ty này bắt buộc cộng tác viên không được lấy lại số tiền đã ủng hộ, không được làm khó công ty, và không được khiếu kiện công ty. 
Hơn nữa người tham gia không được thắc mắc bất kỳ điều gì trong khi thực tế quỹ từ thiện này lại không có bất kỳ thông tin giới thiệu cũng như chương trình hoạt động nào.
Các nhà phân phối, đại lý của công ty này đều được quyền tham gia mô hình khai thác quỹ Tấm lòng Vàng để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Xử lý không triệt để đa cấp bất chính sẽ dẫn đến tình trạng “chặt đầu này lại mọc đầu khác”.

Global Online Systems Inc (GOLS) - công ty kinh doanh đa cấp sản phẩm của Herbalife tại Vancouver (Canada) - từng bị tố cáo kinh doanh bất chính và bị phạt 150.000 USD. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với , TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng rà soát lại, làm rõ tên và nội hàm các hành vi kinh doanh đa cấp bất chính. Những điều nào không còn phù hợp nữa thì nên mạnh dạn bỏ đi.

Trục lợi từ những kẽ hở pháp luật

Theo Tiến sĩ, vì sao hiện tượng biến tướng của bán hàng đa cấp lại có điều kiện để phát sinh ngày một nhiều?

Cách đây 10 năm, ngay từ khi Luật Cạnh tranh được ban hành và chính thức có hiệu lực, các hiện tượng biến tướng trong kinh doanh đa cấp đã xuất hiện. Chúng ta cũng đã tham khảo xây dựng điều luật quản lý kinh doanh đa cấp theo mô hình của nước ngoài nhưng chưa thể lường trước hết những hình thức biến tướng mới ở Việt Nam.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa xử lý mạnh tay và đến nơi đến chốn các hình thức kinh doanh đa cấp bất chính. Việc quản lý kinh doanh đa cấp có thể chia làm hai giai đoạn là đăng ký hoạt động và xử lý vi phạm. Đối với giai đoạn đầu tiên là cho đăng ký hay không cho đăng ký bán hàng đa cấp, Việt Nam đã và đang làm rất tốt. Tuy nhiên, khi nói đến các cơ chế phát hiện và xử lý vi phạm, phía Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh tay.

Hiện tại cơ chế kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn còn theo phương thức truyền thống là lấy thông tin và phải thông báo trước cho doanh nghiệp (DN) khi tiến hành kiểm tra; không thể áp dụng phương pháp kiểm tra đột xuất. Trong khi đó, các DN đa cấp hiện nay đủ thông minh để trục lợi từ những kẽ hở của pháp luật.

Tính đặc thù trong kinh doanh đa cấp cũng khiến cơ chế phát hiện và xử lý như hiện nay gặp phải nhiều khó khăn. Người tham gia hoạt động đa cấp mang tính chất độc lập so với DN. DN có thể dễ dàng cho phép họ tham gia vào mô hình với tư cách cá nhân, chỉ như một người cộng tác với DN.

Vì vậy khi người tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp có hành vi bất chính như đưa thông tin gian dối để thành lập mạng lưới cấp dưới, bán các sản phẩm kém chất lượng, lừa khách hàng… thì DN kinh doanh đa cấp vẫn có thể phủi sạch trách nhiệm và đổ lỗi lên người tham gia. Trước khả năng sinh lợi cao thông qua kinh doanh đa cấp, những toan tính bất chính luôn nhanh chóng phát sinh và tạo ra các hình thức mới để thỏa lòng tham về thu nhập.

Một đợt truy quét các thành viên bán hàng đa cấp tại Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 5/2015. Nguồn: Wangyi (Ảnh minh họa)

Rút giấy phép chưa ăn thua gì

Tiến sĩ có thể chia sẻ luật pháp của một số quốc gia tiêu biểu quản lý vấn đề đa cấp như thế nào để có thể tránh được những hiện tượng biến tướng như tại Việt Nam hiện nay?

+ Cơ chế quản lý kinh doanh đa cấp tại Việt Nam chủ yếu kế thừa từ khu vực Bắc Mỹ mà chủ yếu là Canada. Ở nước ngoài vẫn tồn tại hình thức kinh doanh đa cấp bất chính nhưng cơ chế thi hành xử lý vi phạm mạnh hơn Việt Nam. Cơ quan chuyên trách thực sự có quyền lực giúp phát hiện và xử lý các đối tượng kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Họ có khả năng phối hợp với lực lượng cảnh sát kinh tế tiến hành những cuộc điều tra đột xuất bất ngờ khiến các DN bất chính không kịp trở tay che đậy dấu vết sai phạm. Quan trọng hơn hết, các cơ quan xử lý có thể đưa ra mức tiền phạt đủ mạnh để gây thiệt hại về kinh tế đủ lớn buộc DN phải đóng cửa ngưng hoạt động.

Trong khi đó tại Việt Nam, nếu chưa đủ nghiêm trọng để truy tố trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý chỉ có thể ra quyết định rút giấy phép kinh doanh đa cấp. Điều này thật sự không đủ mạnh tay để buộc DN có hành vi bất chính phải dừng hoạt động. DN sau khi bị rút giấy phép vẫn có thể dễ dàng đăng ký lại với một danh tính khác. Cách xử lý còn có phần nhẹ tay này tạo nên tình thế “chặt đầu này lại mọc đầu khác” đối với các DN kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật.

Một điểm khác biệt nữa là các quốc gia Bắc Mỹ có các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ hơn tại Việt Nam. Các quốc gia này có yêu cầu kỹ thuật cao đối với sản phẩm được phép bán trên thị trường. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng có các thông tin sai lệch khó có thể tồn tại. Do đó DN kinh doanh đa cấp khó lừa dối khách hàng.

Việt Nam cần phải có những chỉnh sửa như thế nào để có thể quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh đa cấp, hạn chế những hình thức biến tướng gây hại cho người dân?

+ Cùng theo đó, cơ quan quản lý cần phải đẩy mạnh việc thắt chặt quản lý về chất lượng sản phẩm trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn các DN đa cấp bán hàng hóa kém chất lượng lừa đảo người tiêu dùng.

Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống điều tra bán hàng đa cấp thật sự mạnh tay. Trong đó, cơ quan chuyên trách không chỉ làm tốt trong việc buộc DN đăng ký bán hàng đa cấp mà còn phải có khả năng điều tra phát hiện và xử lý vi phạm hoạt động đa cấp bất chính một cách triệt để và rộng khắp. Họ phải được trao khả năng yêu cầu những cơ quan an ninh phối hợp điều tra và xử lý vi phạm, có quyền tiến hành các cuộc điều tra và thanh tra đột xuất những DN bị tình nghi.

Một trong những giải pháp trước mắt có thể thực hiện là hủy bỏ yêu cầu người tố cáo kinh doanh đa cấp phải nộp tạm ứng khoản phí giải quyết là 10 triệu đồng, được quy định trong Luật Cạnh tranh. Những người bị lôi kéo, lừa gạt vào mạng lưới đa cấp bất chính khi muốn tố cáo thường sẽ bị chùn chân khi nhìn thấy mức phí này. Việc loại bỏ khoản phí tạm ứng này trong Luật Cạnh tranh có thể giúp các nạn nhân của những mạng lưới đa cấp bất chính mạnh dạn tố cáo hơn.

Xử phạt đa cấp bất chính ở các nước

Ở Singapore, trong quá trình rà soát luật về kinh doanh đa cấp (Multi-level marketing - MLM Act) năm 2000, mức phạt cho việc xâm phạm luật này đã được nâng từ 30.000 USD lên 200.000 USD hoặc bị phạt tù không quá năm năm, hoặc có thể chịu cả hai hình phạt trên. Hình phạt này được áp dụng cho các hành vi khuyến khích và tham gia kinh doanh đa cấp, kinh doanh dạng kim tự tháp; đăng ký thành lập DN để thúc đẩy mô hình kinh doanh đa cấp, kinh doanh kim tự tháp, thành lập công ty với mục đích thúc đẩy kinh doanh đa cấp, kinh doanh kim tự tháp.

Công ty kinh doanh đa cấp sản phẩm Herbalife có trụ sở ở Vancouver (Canada) - Global Online Systems Inc (GOLS) bị phạt 150.000 USD với hai tội danh theo các điểu khoản kinh doanh lừa đảo của Luật Cạnh tranh. Sau khi nhận tội, GOLS đã ký vào Lệnh cấm (Prohibition Order) trình lên tòa án liên bang Canada. Theo đó, GOLS và hai giám đốc Deborah Jane Stoltz và Marilyn Thom đã đồng ý nộp phạt, kê khai mức thu nhập thực sự của các nhân viên của công ty, thông báo cho tất cả nhà phân phối và nhân viên công ty về vụ việc và không được tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh nào về hình thức kinh doanh đa cấp dù trực tiếp hay gián tiếp.

Trung Quốc cấm tiệt đa cấp

Năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một đạo luật quy chế bán hàng trực tiếp và quy định cấm về kinh doanh đa cấp. Với đạo luật này, Trung Quốc khẳng định không chấp nhận hình thức kinh doanh đa cấp tại nước này. Theo trang China Briefing, chính quyền Trung Quốc xem những người tổ chức và đứng đầu mạng lưới kinh doanh đa cấp nhận mức lợi nhuận bất hợp pháp, làm rối loạn trật tự kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh đa cấp vẫn được xem là hợp pháp tại Đài Loan và Hong Kong.
Theo Báo Pháp Luật TP.HCM

Thế Giới Gồ Ghề tạo Chiếc "Nồi Hơi Bức Xúc" và Sự Mụ Mẫm của Loài Người

Thế giới gồ ghề, chuyển động nhanh, nhiệt sinh ra làm nóng lên và "chiếc nồi hơi bức xúc" có thể nổ tung bất cứ lúc nào...
Thế chiến 2 bùng nổ không phải do ý muốn của những người dân nghèo, cuộc chiến trên phạm vi toàn thế giới xuất phát từ tham vọng của một thiểu số nắm quyền lãnh đạo một số quốc gia như Đức, Ý, Nhật..., nó cũng còn có nguyên nhân từ những toan tính của giới cầm quyền châu Âu trước những biến động về chính trị sau khi Liên Xô ra đời.  

Hậu quả mà cuộc chiến để lại là sự tàn phá các thành phố, làng mạc, các công trình văn hóa, môi trường tự nhiên, là việc cướp đi sinh mạng nhiều chục triệu người vô tội.


Bảy mươi năm sau thế chiến 2, chiến tranh lạnh tưởng như đã chấm dứt, nhân loại vẫn đang phải trả giá cho những toan tính sai lầm, thậm chí là ngông cuồng của không ít người thuộc tầng lớp lãnh đạo mới.

Sau giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp khởi đầu ở Anh vào cuối thế kỷ 18, giai đoạn 2 và 3 kéo dài đến thế kỷ 20, loài người đã bước vào cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật. 


Nguồn lực giữ vai trò quyết định cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật là giới trí thức, với sự hậu thuẫn của giới chính trị và doanh nhân. Một sự thật không thể phủ nhận là Chủ nghĩa tư bản chính là bà đỡ của cách mạng khoa học, kỹ thuật.


Không phải lâu la gì, mới gần đây, người ta cho rằng sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là Internet đã làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn, các quốc gia, dân tộc trở nên bình đẳng hơn, cuộc sống của người dân khắp nơi được cải thiện hơn… Bản thân người viết cũng có lúc đồng tình với quan điểm đó.  



Tuy nhiên bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, thực tế đã chứng minh rằng thế giới mà loài người đang sống vẫn là một thế giới “gồ ghề”, loài người vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chiến  tranh, bạo lực, đói nghèo và bất công. 

Trong khi câu khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” được nhấn mạnh ở nơi này thì ở nơi khác người ta nói  “của 1%, do 1% và vì 1%”. Con số 1% ở đây là gì? 


Là 1% người giàu nhất chiếm hơn 40% của cải toàn thế giới. Khoảng cách giàu nghèo đã tăng không phải là “đáng kể” mà đến mức khủng khiếp, nói như Michael Moore, một người Mỹ thì “hệ thống tư bản hiện nay là hệ thống tàn ác và cần bị chấm dứt”.

Khoa học kỹ thuật phát triển khiến không gian dường như bị thu hẹp lại, khiến thời gian dường như trôi nhanh hơn, con người sống lâu hơn và cũng từ đây nghịch lý xuất hiện.
Khi một thế giới “gồ ghề” chuyển động nhanh hơn tất sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, sẽ bị ma sát nhiều hơn, nhiệt do ma sát sinh ra sẽ làm thế giới nóng lên và chiếc “nồi hơi bức xúc” có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.

Lợi dụng tâm lý vừa ngây thơ vừa cực đoan của một bộ phận dân chúng, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự khác biệt về tôn giáo chính là sách lược nhiều chính trị gia đang sử dụng để phục vụ “nhóm lợi ích” của mình.


Cuộc chiến mà phương Tây trực tiếp tiến hành ở Iraq, Afghanistan, Lybia, Syria, Nam Tư… hay cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ở Gruzia, Ucraina… đang đẩy hàng trăm triệu người dân các quốc gia này vào vòng xoáy bất ổn, bạo lực, nghèo đói, bệnh tật khiến sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết.


Điều tồi tệ nhất hiện nay là không ít chính trị gia phương tây đang đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí xem hàng chục vạn di dân châu Phi như lá bài mặc cả trên bàn cờ chính trị. 


Ủy Ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước thành viên của khối phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ “hạn ngạch” trong khi Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban cho rằng: “Vấn đề người nhập cư là chuyện của nước Đức”. Không chỉ Hungary, Anh và một số nước khác cũng phản đối quy chế “hạn ngạch” mà Ủy Ban châu Âu ban hành.


Gánh nặng di dân mà châu Âu đang đối mặt bắt nguồn từ đâu? Để trả lời câu hỏi này cần phải nêu tiếp một một vài câu hỏi khác:

Nếu những chế độ mà phương tây xem là độc tài, tham nhũng ở Iraq, Lybia, Ukraina… không bị lật đổ thì người dân các quốc gia này có nghĩ đến chuyện ồ ạt rời bỏ quê hương hay không?”. 

Lật đổ chính quyền và giết chết Sadam Husein, Gaddafi, bỏ tù cựu tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, lật đổ cựu tổng thống Ukraina  Viktor Yanukovych … có mang lại cuộc sống bình yên cho người dân các quốc gia này?”.


Chính cuộc chiến đẫm máu mà Mỹ dẫn đầu với sự tham dự của nhiều nước châu Âu đã tàn phá các quốc gia vùng Vịnh, sự tàn phá không phải chỉ là với thể chế chính trị, bộ máy nhà nước mà còn là các giá trị vật thể và phi vật thể khác.


Những nước được xem là “bạn hữu” của phương tây như A-rập Xê-út, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… không bị cuốn vào cuộc chiến, người dân đâu có vượt biển sang châu Âu để hy vọng một cuộc sống bình an?


Hãy nghe câu trả lời của cậu bé người Syria, Kinan Masalmeh với kênh truyền hình Al Jareeza giữa thủ đô Budapest – Hungary: “Người Syria cần được giúp đỡ. Các ông chỉ cần chấm dứt chiến tranh và chúng tôi sẽ chẳng mong chờ sang châu Âu, hãy chấm dứt chiến tranh”. 


Phải chăng đây cũng là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi đâu là nguyên nhân chính gây ra những bất ổn mà nhân loại, (chứ không phải chỉ người dân các quốc gia Trung Đông) đang phải đối mặt. 

Kinan Masalmeh trả lời phỏng vấn tại Budapest. Ảnh: Al jazeera
Gây chiến tranh, đe dọa chiến tranh, khoe quân đội, súng đạn với thế giới vẫn là cách thức cổ điển mà những “cái đầu nóng hiện đại” đang làm.
Nhưng không phải chỉ có thế, biến tướng của nó là “cách mạng màu”, là “mùa xuân Ả Rập”, là các cuộc chiến nồi da nấu thịt dưới sự “ủy nhiệm” của phương Tây mà Kosovo, Ukraina là một minh chứng.

Thay vì đưa binh lính, dội bom, bắn tên lửa xuống các quốc gia có chủ quyền, người ta hứa hẹn cho tiền, người ta dúi vào tay người bản xứ vũ khí và xúi dục họ tự bắn giết lẫn nhau. 


Ở mức độ châu lục, các quốc gia giàu có châu Âu như Đức, Anh, Pháp… đưa quân sang tham chiến ở châu Phi nhưng lại “phân bổ hạn ngạch” tiếp nhận di dân cho các quốc gia khác mặc dù nhiều quốc gia không nhận được bất kỳ hợp đồng béo bở nào trong việc khai thác tài nguyên hay xuất khẩu vũ khí thời hậu chiến.


Trên bình diện toàn cầu, từ bên kia đại dương, người Mỹ lôi kéo các quốc gia châu Âu vào cuộc chiến tại châu Phi và “nhường” hậu quả cho châu Âu gánh chịu.

Chẳng di dân Trung Đông nào có thể vượt qua Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương để đến Bắc Mỹ. Không biết điều này có làm cho những lãnh đạo châu Âu, những người sốt sắng đưa binh lính tham chiến cũng Mỹ có ngộ ra điều gì chăng?

Các quốc gia châu Âu sẽ phải bỏ ra hàng tỷ đô la để ổn định cuộc sống người di cư, sẽ phải mất nhiều năm để người bản địa chấp nhận một sắc tộc mới, một nét văn hóa mới và rồi đây trong tương lai, liệu nhân loại có phải một lần nữa chứng kiến nạn phân biệt chủng tộc?

Lợi nhuận mà cuộc chiến mang lại chủ yếu rơi vào tay các ông chủ tư bản, hậu quả của cuộc chiến thì người dân phải gánh chịu, không phải chỉ là người dân nơi xung đột xảy ra mà còn tại các quốc gia tiếp nhận người tị nạn bởi lẽ ngân sách dành cho người di cư đều là tiền thuế mà dân đóng góp. 

Nhận định này chưa hoàn toàn đúng trên bình diện toàn cầu, chẳng quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn tại quốc gia khác. Không một đất nước nào có thể yên tâm phát triển kinh tế nếu chủ quyền quốc gia bị đe dọa.


Ngôi nhà chung của nhân loại đang bị đe dọa bởi sự cạnh tranh của các nước lớn, bởi xung đột sắc tộc, tôn giáo, bởi biến đổi khí hậu. 


Nếu những thảm họa do con người gây ra cho bản thân và tự nhiên chưa đủ sức thức tỉnh những cái đầu nóng thì cái gì mới đủ sức thuyết phục họ? Phải làm gì để người nghèo không bị khát nước bởi sự ăn mặn của người giàu?


Khi tự nhiên nổi giận thì những kẻ đang nắm giữ hơn 40% của cái thế giới liệu có kịp chuyển sang sinh sống ở  hành tinh khác? 


Những kẻ tự cho là mình thông minh, sao lại tham lam và mụ mẫm như vậy?

Con Người đã Hủy Hoại Một Nửa số Cây Xanh trên Trái Đất

Con người đã và đang có những ảnh hường lớn tới hệ sinh thái trên Trái đất. Trong số đó có rất nhiều tác động xấu đối với nơi mà chúng ta đang sinh sống như thải hàng tấn nhựa ra biển cả hoặc 1 lượng khổng lồ khí carbon vào bầu khí quyển. Không chỉ vậy, chúng ta đã hủy hoại những thứ mà thiên nhiên để lại: Kể từ khi văn minh loài người xuất hiện, chúng ta đã làm cho 1 nửa số cây xanh trên Trái đất biến mất.
Đây là kết quả đáng buồn của 1 cuộc điều tra hệ sinh thái lớn được công bố trên tạp chí Nature, nghiên cứu đầu tiên thống kê về lượng cây xanh trên quy mô toàn cầu. Theo đó, hiện có khoảng 3,04 nghìn tỷ cây xanh trên hành tinh hiện nay, đạt mật độ 422 cây/người. Đó là con số tốt bởi lượng cây xanh thực tế trên trái đất vượt 7 lần so với dự đoán của các nhà khoa học. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra thực tế đáng thất vọng là con người đã hủy hoại tới 46% lượng cây xanh trên thế giới để phục vụ cho các nhu cầu của mình.
Để có thể cho ra con số đó, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp số liệu từ mật độ cây xanh ở 429.775 vùng đất ở khắp các lục địa trên thế giới trừ Châu Nam Cực. Sau đó, họ kết hợp với dữ liệu vệ tinh về khí hậu, địa hình và đất đai con người để xây dựng nên mô hình dự đoán mật độ lượng cây xanh trên thế giới tính theo km2.
Họ còn kết hợp dự báo trên với các bản đồ không gian của mật độ che phủ rừng để đưa ra số liệu về tốc độ hủy hoại cây xanh của con người. Cụ thể, cứ mỗi năm loài người chặt đi 15,3 tỷ cây xanh. Lượng cây xanh mất đi nhiều nhất là ở các khu vực nhiệt đới và đây cũng là nơi tập trung nhiều cây xanh nhất của trái đất. Nhờ việc trồng lại rừng mà mỗi năm lượng cây xanh của trái đất giảm đi chỉ còn 10 tỷ cây nhưng đó cũng là con số quá khủng khiếp về tốc độ hủy hoại cây xanh.
Thomas Crowther, người đứng đầu nghiên cứu nói trên đã chia sẻ với The Guardian: "Tôi không thể ngờ rằng các hoạt động của con người ảnh hưởng nhiều tới mật độ cây xanh trên Trái đất như thế. Đây là con số đáng báo động về ảnh hưởng của con người tới hệ sinh thái toàn cầu."
Cây xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trên Trái đất. Chúng giúp làm sạch nước, làm màu mỡ đất đai cũng như cung cấp cho con người thức ăn và các nguồn vật liệu thô khác. Cây xanh cũng giúp chúng ta tránh khỏi các tác động của biến đổi môi trường nhờ khả năng hấp thụ khí Carbon. Sự biến mất của cây xanh sẽ làm ảnh hưởng xấu tới con người cũng như trái đất. Và vì thế, chúng ta cần hành động khẩn cấp để bảo vệ cây xanh, bảo vệ ngôi nhà của chính chúng ta.
 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT