BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Thế Giới Gồ Ghề tạo Chiếc "Nồi Hơi Bức Xúc" và Sự Mụ Mẫm của Loài Người

Thế giới gồ ghề, chuyển động nhanh, nhiệt sinh ra làm nóng lên và "chiếc nồi hơi bức xúc" có thể nổ tung bất cứ lúc nào...
Thế chiến 2 bùng nổ không phải do ý muốn của những người dân nghèo, cuộc chiến trên phạm vi toàn thế giới xuất phát từ tham vọng của một thiểu số nắm quyền lãnh đạo một số quốc gia như Đức, Ý, Nhật..., nó cũng còn có nguyên nhân từ những toan tính của giới cầm quyền châu Âu trước những biến động về chính trị sau khi Liên Xô ra đời.  

Hậu quả mà cuộc chiến để lại là sự tàn phá các thành phố, làng mạc, các công trình văn hóa, môi trường tự nhiên, là việc cướp đi sinh mạng nhiều chục triệu người vô tội.


Bảy mươi năm sau thế chiến 2, chiến tranh lạnh tưởng như đã chấm dứt, nhân loại vẫn đang phải trả giá cho những toan tính sai lầm, thậm chí là ngông cuồng của không ít người thuộc tầng lớp lãnh đạo mới.

Sau giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp khởi đầu ở Anh vào cuối thế kỷ 18, giai đoạn 2 và 3 kéo dài đến thế kỷ 20, loài người đã bước vào cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật. 


Nguồn lực giữ vai trò quyết định cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật là giới trí thức, với sự hậu thuẫn của giới chính trị và doanh nhân. Một sự thật không thể phủ nhận là Chủ nghĩa tư bản chính là bà đỡ của cách mạng khoa học, kỹ thuật.


Không phải lâu la gì, mới gần đây, người ta cho rằng sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là Internet đã làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn, các quốc gia, dân tộc trở nên bình đẳng hơn, cuộc sống của người dân khắp nơi được cải thiện hơn… Bản thân người viết cũng có lúc đồng tình với quan điểm đó.  



Tuy nhiên bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, thực tế đã chứng minh rằng thế giới mà loài người đang sống vẫn là một thế giới “gồ ghề”, loài người vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chiến  tranh, bạo lực, đói nghèo và bất công. 

Trong khi câu khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” được nhấn mạnh ở nơi này thì ở nơi khác người ta nói  “của 1%, do 1% và vì 1%”. Con số 1% ở đây là gì? 


Là 1% người giàu nhất chiếm hơn 40% của cải toàn thế giới. Khoảng cách giàu nghèo đã tăng không phải là “đáng kể” mà đến mức khủng khiếp, nói như Michael Moore, một người Mỹ thì “hệ thống tư bản hiện nay là hệ thống tàn ác và cần bị chấm dứt”.

Khoa học kỹ thuật phát triển khiến không gian dường như bị thu hẹp lại, khiến thời gian dường như trôi nhanh hơn, con người sống lâu hơn và cũng từ đây nghịch lý xuất hiện.
Khi một thế giới “gồ ghề” chuyển động nhanh hơn tất sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, sẽ bị ma sát nhiều hơn, nhiệt do ma sát sinh ra sẽ làm thế giới nóng lên và chiếc “nồi hơi bức xúc” có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.

Lợi dụng tâm lý vừa ngây thơ vừa cực đoan của một bộ phận dân chúng, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự khác biệt về tôn giáo chính là sách lược nhiều chính trị gia đang sử dụng để phục vụ “nhóm lợi ích” của mình.


Cuộc chiến mà phương Tây trực tiếp tiến hành ở Iraq, Afghanistan, Lybia, Syria, Nam Tư… hay cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ở Gruzia, Ucraina… đang đẩy hàng trăm triệu người dân các quốc gia này vào vòng xoáy bất ổn, bạo lực, nghèo đói, bệnh tật khiến sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết.


Điều tồi tệ nhất hiện nay là không ít chính trị gia phương tây đang đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí xem hàng chục vạn di dân châu Phi như lá bài mặc cả trên bàn cờ chính trị. 


Ủy Ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước thành viên của khối phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ “hạn ngạch” trong khi Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban cho rằng: “Vấn đề người nhập cư là chuyện của nước Đức”. Không chỉ Hungary, Anh và một số nước khác cũng phản đối quy chế “hạn ngạch” mà Ủy Ban châu Âu ban hành.


Gánh nặng di dân mà châu Âu đang đối mặt bắt nguồn từ đâu? Để trả lời câu hỏi này cần phải nêu tiếp một một vài câu hỏi khác:

Nếu những chế độ mà phương tây xem là độc tài, tham nhũng ở Iraq, Lybia, Ukraina… không bị lật đổ thì người dân các quốc gia này có nghĩ đến chuyện ồ ạt rời bỏ quê hương hay không?”. 

Lật đổ chính quyền và giết chết Sadam Husein, Gaddafi, bỏ tù cựu tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, lật đổ cựu tổng thống Ukraina  Viktor Yanukovych … có mang lại cuộc sống bình yên cho người dân các quốc gia này?”.


Chính cuộc chiến đẫm máu mà Mỹ dẫn đầu với sự tham dự của nhiều nước châu Âu đã tàn phá các quốc gia vùng Vịnh, sự tàn phá không phải chỉ là với thể chế chính trị, bộ máy nhà nước mà còn là các giá trị vật thể và phi vật thể khác.


Những nước được xem là “bạn hữu” của phương tây như A-rập Xê-út, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… không bị cuốn vào cuộc chiến, người dân đâu có vượt biển sang châu Âu để hy vọng một cuộc sống bình an?


Hãy nghe câu trả lời của cậu bé người Syria, Kinan Masalmeh với kênh truyền hình Al Jareeza giữa thủ đô Budapest – Hungary: “Người Syria cần được giúp đỡ. Các ông chỉ cần chấm dứt chiến tranh và chúng tôi sẽ chẳng mong chờ sang châu Âu, hãy chấm dứt chiến tranh”. 


Phải chăng đây cũng là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi đâu là nguyên nhân chính gây ra những bất ổn mà nhân loại, (chứ không phải chỉ người dân các quốc gia Trung Đông) đang phải đối mặt. 

Kinan Masalmeh trả lời phỏng vấn tại Budapest. Ảnh: Al jazeera
Gây chiến tranh, đe dọa chiến tranh, khoe quân đội, súng đạn với thế giới vẫn là cách thức cổ điển mà những “cái đầu nóng hiện đại” đang làm.
Nhưng không phải chỉ có thế, biến tướng của nó là “cách mạng màu”, là “mùa xuân Ả Rập”, là các cuộc chiến nồi da nấu thịt dưới sự “ủy nhiệm” của phương Tây mà Kosovo, Ukraina là một minh chứng.

Thay vì đưa binh lính, dội bom, bắn tên lửa xuống các quốc gia có chủ quyền, người ta hứa hẹn cho tiền, người ta dúi vào tay người bản xứ vũ khí và xúi dục họ tự bắn giết lẫn nhau. 


Ở mức độ châu lục, các quốc gia giàu có châu Âu như Đức, Anh, Pháp… đưa quân sang tham chiến ở châu Phi nhưng lại “phân bổ hạn ngạch” tiếp nhận di dân cho các quốc gia khác mặc dù nhiều quốc gia không nhận được bất kỳ hợp đồng béo bở nào trong việc khai thác tài nguyên hay xuất khẩu vũ khí thời hậu chiến.


Trên bình diện toàn cầu, từ bên kia đại dương, người Mỹ lôi kéo các quốc gia châu Âu vào cuộc chiến tại châu Phi và “nhường” hậu quả cho châu Âu gánh chịu.

Chẳng di dân Trung Đông nào có thể vượt qua Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương để đến Bắc Mỹ. Không biết điều này có làm cho những lãnh đạo châu Âu, những người sốt sắng đưa binh lính tham chiến cũng Mỹ có ngộ ra điều gì chăng?

Các quốc gia châu Âu sẽ phải bỏ ra hàng tỷ đô la để ổn định cuộc sống người di cư, sẽ phải mất nhiều năm để người bản địa chấp nhận một sắc tộc mới, một nét văn hóa mới và rồi đây trong tương lai, liệu nhân loại có phải một lần nữa chứng kiến nạn phân biệt chủng tộc?

Lợi nhuận mà cuộc chiến mang lại chủ yếu rơi vào tay các ông chủ tư bản, hậu quả của cuộc chiến thì người dân phải gánh chịu, không phải chỉ là người dân nơi xung đột xảy ra mà còn tại các quốc gia tiếp nhận người tị nạn bởi lẽ ngân sách dành cho người di cư đều là tiền thuế mà dân đóng góp. 

Nhận định này chưa hoàn toàn đúng trên bình diện toàn cầu, chẳng quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn tại quốc gia khác. Không một đất nước nào có thể yên tâm phát triển kinh tế nếu chủ quyền quốc gia bị đe dọa.


Ngôi nhà chung của nhân loại đang bị đe dọa bởi sự cạnh tranh của các nước lớn, bởi xung đột sắc tộc, tôn giáo, bởi biến đổi khí hậu. 


Nếu những thảm họa do con người gây ra cho bản thân và tự nhiên chưa đủ sức thức tỉnh những cái đầu nóng thì cái gì mới đủ sức thuyết phục họ? Phải làm gì để người nghèo không bị khát nước bởi sự ăn mặn của người giàu?


Khi tự nhiên nổi giận thì những kẻ đang nắm giữ hơn 40% của cái thế giới liệu có kịp chuyển sang sinh sống ở  hành tinh khác? 


Những kẻ tự cho là mình thông minh, sao lại tham lam và mụ mẫm như vậy?

 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT