Vườn ươm doanh nghiệp, tiền đề để các startup khởi nghiệp thành công đã được khởi sự ở Việt Nam khi tiếp nhận làn sóng của các nhà đầu tư ngoại. Vậy vườn ươm này quan trọng thế nào cho các startup khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp?
Cái nôi nuôi dưỡng các startup
Tại Việt Nam và trên thế giới, các vườn ươm doanh nghiệp thường tìm kiếm những mô hình kinh doanh cụ thể ở các startup. Như vậy, các startup mới có thể phát triển nhanh chóng và tạo ra lợi nhuận lớn cho khoản đầu tư của vườn ươm… Đồng thời, các vườn ươm sẽ hỗ trợ và bổ sung những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển vững mạnh.
Ươm tạo là giai đoạn trước của đầu tư mạo hiểm. Để tìm được các nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp thường phải có từ 1 - 2 năm hoạt động kinh doanh tương đối thành công (nghĩa là sản phẩm được chấp nhận trên thị trường, có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng và hấp dẫn).
Ông Bora Kizil, Chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đến từ Startup Labs, đã truyền đạt những kinh nghiệm thực tế nhất trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Mỹ. Theo ông Bora, một hướng đầu tư khá phổ biến trên thế giới và nhất là ở Mỹ, đó là hai loại hình: đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm.
Mô hình vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc
Tại Mỹ, với khoảng 600.000 doanh nghiệp khi khởi nghiệp sau lưng họ sẽ có 300.000 nhà đầu tư là đầu tư thiên thần. Khi các doanh nghiệp có hình hài tên tuổi, chỗ đứng trên thị trường, bước tiếp theo sẽ là các nhà đầu tư mạo hiểm nhảy vào để nâng cao vị thế của các doanh nghiệp đó và tìm kiếm lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDJ, làn sóng khởi nghiệp với những doanh nghiệp dotcom hiện đang dẫn đầu trong ngành công nghệ. Mặc dù làn sóng khởi nghiệp này chưa thực sự để lại một dấu ấn rõ rệt nhưng cũng đã tạo tiền đề cho làn sóng khởi nghiệp khác lan rộng trên cả nước. Nổi bật nhất với nhiều hoạt động cộng đồng như các mô hình khởi nghiệp quốc tế, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, triển lãm khởi nghiệp…
Để có các startup thành công này thì mô hình vườn ươm cực kỳ quan trọng, nó chính là bệ phóng giúp các startup có động lực để khởi nghiệp thành công.
Mô hình vườn ươm đã thực sự khởi động
Mới đây, HATCH! PROGRAM vừa chính thức công bố khởi động chương trình Ươm mầm khởi nghiệp nhằm hỗ trợ các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời mở rộng mạng lưới quan hệ, thúc đẩy và tìm kiếm những cơ hội hợp tác và đầu tư tiềm năng. Được biết, chương trình ươm mầm khởi nghiệp đợt một kéo dài từ nay đến tháng 10/2014.
Ông Phạm Quốc Đạt, Giám đốc chương trình HATCH! PROGRAM, cho biết, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với không ít các cá nhân hay nhóm khởi nghiệp đang gặp vướng mắc trong giai đoạn thực hiện ý tưởng của mình. Bài toán vốn mà các startup lo ngại nhất khi bước chân vào con đường khởi nghiệp không phải là bài toán khó nhất. Thực tế cho thấy các bản thân các doanh nghiệp khi khởi nghiệp cần có một kế hoạch và định hướng thì dễ dàng nắm bắt được thành công.
Chương trình ươm mầm khởi nghiệp của HATCH! PROGRAM được thiết kế và hướng tới những startup khởi nghiệp có thời gian hoạt động dưới hai 2 năm tại Hà Nội và TP.HCM. Tại HATCH!, bên cạnh tập trung hỗ trợ các dự án hoạt động trong ngành công nghệ thông tin, các startup khởi nghiệp còn được cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực khác như Giáo dục, Môi trường… và họ hoàn toàn có cơ hội đăng ký tham gia.
Các hoạt động của chương trình bao gồm: Chương trình cố vấn, khóa học tập trung bốn tuần và chuỗi các sự kiện kết nối, được thực hiện đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM.
Khi tham gia Chương trình, các startup không chỉ được tiếp xúc trực tiếp với những cố vấn là những cá nhân khởi nghiệp và các CEO điều hành doanh nghiệp thành công… Với kinh nghiệm lâu năm trong từng lĩnh vực cụ thể, để có thể học hỏi và hoàn thiện mô hình và kế hoạch kinh doanh, các startup còn có cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ của mình thông qua các sự kiện networking nói riêng và sự kiện tổ chức hoặc đồng tổ chức khác của HATCH!.
Kết thúc chương trình là một buổi thuyết trình ngắn trước hội đồng cố vấn và đầu tư của HATCH!, tại đó các startup khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mở ra những quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài.