Chơn sư có nêu rõ rằng tình thương và phụng sự thật ra là những từ đồng nhất và có thể hoán chuyển được. Nếu chúng ta yêu thương Thượng Đế thì chúng ta mong ước hiệp nhất với Ngài, nhưng Chơn sư có dạy rằng: “Nếu con mong ước hiệp nhất với Thượng Đế thì đó không phải vì lợi ích của riêng con, mà ấy là vì để cho con có thể trở thành một phương tiện thông qua đó tình thương của Ngài có thể tuôn chảy đạt tới đồng loại của con”. Chính vì thế mà Chơn sư dạy chúng ta rằng chúng ta phải yêu thương và do đó phụng sự tất cả những gì trên thế giới – loài người, loài thú và loài cây cỏ. Thật vậy chúng ta cũng phải phụng sự loài khoáng vật, mặc dù ý tưởng này dường như khá viễn vông. Nhưng mọi người nào thật sự yêu thương Thiên nhiên cũng đều biết tới bài học kỳ diệu mà giới khoáng vật dạy cho chúng ta. Do công trình khảo cứu của nhà khoa học vĩ đại người Ấn Độ, ngài J. C. Bose, giờ đây chúng ta thừa biết khoáng vật cũng là các sinh linh, ngoài ra mọi người để ý đến Thiên nhiên đều biết tác dụng mà một phong cảnh đẹp gây cho con người. Sự hùng vĩ của phong cảnh núi non gây ấn tượng lên linh hồn cá nhân khiến cho kẻ yêu thiên nhiên cảm thấy sự đơn nhất ở mức độ rất rõ rệt. Quyền năng của Thượng Đế biểu lộ sâu sắc qua những kết quả gập ghềnh của những sự đảo lộn lớn lao, và biển cả tàn nhẫn nói lên Định luật khắc khe của Ngài. Nói theo giáo sự James thì tiếng nói của đời sống vĩnh cửu có nghĩa là “nói qua mọi giới trong Thiên nhiên” và nhiệm vụ của chúng ta là phải nhờ tình thương và việc phụng sự để phát triển khả năng nghe được thông điệp của Thượng Đế qua đủ thứ giai đoạn phát triển Tình thương thấm nhuần vạn vật của Ngài.
SỰ ĐƠN NHẤT SỐNG ĐỘNG
Những người nào có đặc quyền trải qua cuộc Điểm đạo lần thứ nhất đều biết được sự đơn nhất sống động trong một chừng mực nào đó. Ít ra thì trong nhất thời họ cũng có thể hòa lẫn bản thân với ngoại giới, và khi vong thân như thế họ có được một sự thoáng nhìn mong manh về hình ảnh Thượng Đế. Một người đã trải qua kinh nghiệm này bảo rằng:
“Tôi không thể hoàn toàn giải thích cho bạn bản chất của kinh nghiệm mà tôi đã trải qua trên cõi Bồ Đề, nhưng tôi có thể kể cho bạn nghe những tác dụng sau đó của nó khi tôi trở lại với cái mà chúng ta gọi là tâm thức tỉnh táo. Khi tôi thức tỉnh dậy thì tôi bị tràn ngập một xúc cảm thấy bản ngã mình hòa lẫn với ngoại giới dường như thể tôi bị phân phối ra thiên nhiên xung quanh mình, do đó tâm thức tôi linh hoạt nơi mọi thứ xung quanh. Khi bước xuống giường đi ra cửa sổ, tôi nhìn xuống một khu vườn chanh đẹp đẽ mà các cây trong đó chín mọng những quả chanh. Khi tôi nhìn ra thì trung tâm tâm thức của tôi dường như lan tỏa mở rộng ra sao cho tôi không chỉ là “tôi” nữa mà còn là vườn chanh cũng như người làm vườn lúc đó đang hái những quả chanh. Tôi dường như lan tỏa ra và luân phiên giữa ngoại giới với bản thân. Ba hồi tôi cảm thấy mình là vườn chanh, ba hồi tôi co lại thành ra cái bản ngã thông thường của mình, và tôi nhận ra rằng nhiệm vụ của mình là phải sống, phải yêu thương và phụng sự mãi cho tới ngày nào đó tâm thức mình sẽ lan tỏa ra vạn vật xung quanh mà bản thân chỉ còn là một trung tâm điểm. Kỳ diệu thay, sự đồng nhất tức thời của bản thân tôi với vườn chanh hoàn chỉnh đến nỗi với tư cách là cây chanh, tôi dường như trải nghiệm cái sự nhức nhối nhỏ nhoi nhất khi những trái chanh bị bứt ra khỏi cành cây. Bằng một cách nào đó dường như có sự tội nghiệp, dường như thể tôi bị lấy điều mà tôi có quyền vui hưởng. Tôi đã sản sinh ra những trái chanh và chúng làm cho tôi đẹp đẽ. Chúng đã làm cho tôi hoàn chỉnh và có một chút đau khổ khi bị tước mất thành quả lao động của mình. Khi trở lại với bản thân, tôi biết rằng cái cây chẳng nên tiếc nuối vì những trái chanh là tình yêu và việc phụng sự của nó. Nhưng tôi cũng biết rằng không thể trông mong cái cây hoàn toàn nhận ra được điều này. Thế rồi tâm trí tôi lại thắc mắc liệu có sòng phẳng chăng khi gây ra đau đớn cho cái cây. Tuy nhiên, tôi lại nhận ra rằng chỉ có như thế thì cái cây mới học được thiên chức của mình vì cây cối cũng có thiên chức giống như con người, và một chút đau đớn mà cái cây phải chịu sẽ được đền đáp xứng đáng bằng lòng biết ơn của những người đã học được cách suy tư sâu sắc. Điều này khiến tôi nhận ra được rằng chúng ta ắt trợ giúp cho các giới thấp trong Thiên nhiên nhiều hơn mức hiện tại nếu chúng ta chủ đích suy nghĩ tới chúng nhiều hơn mức hiện nay. Vào thời buổi hiện đại thì hành vi tôn vinh cây chanh khi ăn một trái chanh nghe có vẻ phi lý, nhưng theo quan điểm của cái cây thì chẳng có gì là phi lý hết. Ai mà biết liệu cái cây có sản sinh ra những quả trái tốt đẹp hơn mức hiện nay, và sẽ vui lòng hiến dâng quả trái đó nếu chúng cảm thấy rằng nỗi đau chia ly chẳng qua chỉ là việc trả công trước cho một sự sống sung sức hơn được cấp dưỡng bằng sự biết ơn của con người ?”
Tác giả tiếp tục đề tài này qua nhiều lối rẽ trong đó ông chứng tỏ cách thức trong khi sự đồng cảm bắt đầu bằng cách mô phỏng lại xúc cảm tức là cùng chia xẻ xúc cảm thì sự đồng cảm chân chính lại có nghĩa là truyền thêm sức mạnh để chịu đựng. Đây quả thật là ý nghĩa của cả tính thương và phụng sự. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là thường xuyên gánh đỡ gánh nặng của người khác mà nhân danh một sự đơn nhất chung chúng ta có bổn phận phải chia sẻ với những người khác sức mạnh giúp cho họ can đảm gánh chịu những rắc rối của chính mình.
BẢN CHẤT CỦA SỰ TRẢI NGHIỆM
Chơn sư dạy rằng: “Kẻ nào bước trên Thánh đạo không sống vì riêng mình mà vì những người khác, y đã quên mất bản thân để có thể phụng sự những người khác”. Ta hãy lưu ý cụm từ “y đã quên mất bản thân”, tôi cho rằng điều này có nghĩa là y đã học cách hòa lẫn bản thân với những người khác. Chỉ bằng cách hòa nhập bản thân với những người khác thì y mới biết cách thông cảm với họ. Và điều này cho ta thấy giá trị của sự trải nghiệm cả cay đắng lẫn ngọt ngào. Ta không cần phải trải qua mọi kinh nghiệm có thể tưởng tượng được, cũng chẳng cần cá nhân mình đồng cảm với cả thế giới, nhưng ta cần làm quen với bản chất của cuộc trải nghiệm. Chúng ta phải trải nghiệm bản chất của kinh nghiệm đó mặc dù chúng ta tuyệt nhiên không cần phải sống qua mọi dạng kinh nghiệm khác nhau. Kinh nghiệm dạy cho ta những bài học theo nhiều cách khác nhau tùy theo các tính khí khác nhau và tình huống khác nhau của loài người cũng như các dạng biểu hiện khác của Thượng Đế. Khi chúng ta học được bài học này thì chúng ta mới hiểu được quá trình và chúng ta cũng chẳng khó khăn gì cũng nhận ra được quá trình dưới các dạng kinh nghiệm khác mà bản thân chúng ta có thể không thực sự trải nghiệm. Những kinh nghiệm thực sự mà chúng ta đã nếm trải mang lại cho chúng ta cá tính, còn bản chất tinh hoa của những kinh nghiệm khác mang lại cho chúng ta tính đại đồng thế giới. Một sự phiền não lớn lao có thể dạy cho chúng ta biết phiền não thật sự là gì bất kể nó biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau. Nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm qua “những phiền não của chính mình” thì chúng ta đã học được bài học “phiền não” vì nhờ vào phiền não của mình mà chúng ta học được về phiền não rồi thì chúng ta sẽ hiểu được phiền não dưới đủ mọi dạng vì chính sự sống đã tạo ra những dạng thức đó. Như vậy chúng ta phải luôn luôn cố gắng lập luận từ cá thể sang tổng thể. Khi sự rắc rối xảy ra cho chúng ta thì chúng ta nên cộng đồng hóa xúc cảm của mình và tự nhủ rằng các loại rắc rối khác cũng mang lại những xúc cảm đó cho những người khác. Chúng ta cũng nên nhận ra được rằng mọi sự khó khăn nho nhỏ mà chúng ta gặp phải và mọi cớ viện dẫn mà chúng ta dành cho bản thân đều có đối thể trong cuộc đời của những người khác. Nếu ta xúc phạm tới một người nào đó thì ta thường có thể tìm ra được cớ và lý do để bào chữa. Mỗi người trong chúng ta đều có thể giải thích và khi giải thích chúng ta thấy hoặc là có lý do chính đáng hoặc ít ra là có trường hợp giảm khinh. Thật vậy, chúng ta luôn luôn đòi hỏi trong trường hợp mình phải cân nhắc tới trường hợp giảm khinh thì trong trường hợp những người khác cũng phải cân nhắc tới điều đó. Và chúng ta nên nhớ rằng nếu chúng ta yêu cầu người khác thông cảm thì đến lượt mình là cũng phải thông cảm với người khác. Nhưng tất nhiên phải có việc hiểu lầm người khác cũng như hiểu lầm chính mình cho nên nói cách khác, nếu chúng ta không đóng góp được gì cho cái hạnh phúc toàn thể thế giới vốn đang trông mong phần đóng góp của chúng ta, thì đến lượt mình chúng ta cũng sẽ rất khó khăn mới nhận được cái phần chia xẻ mà bản thân chúng ta đang cần tới. Bạn có hiểu ngụ ý của tôi chăng ? Nếu bạn muốn được hạnh phúc thì trước hết phải đóng góp vào cái kho hạnh phúc chung rồi nhiên hậu bạn mới rút hạnh phúc ra được từ đó. Bạn không thể hạnh phúc một cách độc lập. Chính vì thế chỉ khi chúng ta yêu thương và phụng sự thì chúng ta mới có được hạnh phúc lâu bền. Bạn ắt nhận thấy rằng Chơn sư có dạy kẻ nào bước trên Thánh đạo không sống vì riêng mình mà vì những người khác. Chỉ dẫn của sự thật này vốn hiển nhiên qua những lời lẽ mà tôi đã trích dẫn từ kẻ chính mình đang bước trên Thánh đạo. Y sống vì những người khác do bởi y đã trải nghiệm được sự đơn nhất, và một khi người ta đã trải nghiệm sự đơn nhất thì người ta không bao giờ quên nó được nữa mà theo thời gian sự đơn nhất đó phải càng ngày càng chế ngự được sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta được dạy cho biết rằng vào một giai đoạn sau này quá trình sẽ đảo ngược lại sao cho cá thể sẽ thu hút mọi thứ vào bản thân thay vì cảm thấy bản thân hòa lẫn vào ngoại giới. Tuy nhiên tôi không cần bàn tới điều này vì có lẽ là đa số bạn đọc còn chưa trải nghiệm các giai đoạn đầu tiên mà tôi đã mô tả bản chất của nó.
“Y là một cây bút trong tay Thượng Đế mà tư tưởng Ngài có thể tuôn chảy qua đó tìm thấy cho mình một biểu hiện dưới đây. Nếu không có cây bút thì không thể biểu hiện ra được. Đồng thời y cũng là một ngòi bút lửa sống động tỏa ra trên thế gian Tình thương Thiêng liêng vốn tràn đầy tâm hồn mình”. Qua những cụm từ huy hoàng này Chơn sư cho thấy bằng cách nào mà trong khi mỗi người trong chúng ta là một phương tiện biểu hiện thần lực Chơn sư thì đồng thời chúng ta cũng là một suối nguồn cá thể cho nước hằng sống. Xuất phát từ biểu hiện tính đơn nhất của chúng ta thì các nguyên khí thường hằng của Sự Sống Thiêng Liêng mới giáng trần, trong khi xuất phát từ tính cá biệt của chúng ta, các nguyên khí thiêng liêng này mới có được một vài dạng xác định nhờ đó chúng có thể dễ dàng được nhận ra bởi các cá thể vốn tự nhiên là đáp ứng với những dạng thức chuyên biệt mà chúng ta biểu hiện Sự Sống Nhất Như thông qua đó. Như vậy, chúng ta có thể hữu dụng theo hai cách. Chúng ta có thể hiến dâng cho thế gian cả phần vô sắc tướng lẫn phần sắc tướng. Mỗi một người trong chúng ta đều có phần đóng góp cá thể để tạo thành hạnh phúc của thế gian cũng như ít ra là trong một chừng mực nào đó có thể cống hiến một biểu hiện của những nguyên khí chung. Mỗi người trong chúng ta ít ra cũng có thể là một điều gì đó đối với trọn cả thế gian, nhưng với vai trò là các cá thể có một đường lối hoạt động đặc thù, chúng ta có thể là rất nhiều đối với một vài người.