Từ xưa đến nay, phần đông thiên hạ đều quan niệm rằng vấn đề THIỀN ĐỊNH chỉ dành riêng cho những hạng xuất gia tu hành, đã dứt bỏ việc trần, tìm đường giải thoát, còn các tu sĩ tại gia hay các hạng thường nhân thì không cần thiết. Vả lại, có muốn thực hành cũng chẳng được vì tưởng nó rất khó khăn.
Sự thật không phải vậy. Đó chỉ là ý nghĩ sai lầm của những người thiếu hiểu, chưa rõ THIỀN ĐỊNH là gì. Thật vậy, THIỀN ĐỊNH rất hữu ích cho tất cả mọi hạng người: từ bực xuất gia đến hàng cư sĩ, từ kẻ quê mùa đến hàng trí thức, ai cũng cần và cũng thực hành được cả. Thật ra, nhiều người đã có tham thiền rồi mà họ không ngờ.
Riêng đối với sinh viên và học sinh lại càng nên chú trọng đến vấn đề THIỀN ĐỊNH, vì nó lợi ích vô cùng.
Chính Bác sĩ Isnard (nhà tu Phật tử nạn tại Hà Tiên), tác giả quyển “La Sagesse du Bouddha et la Scienne du Bonheur” cũng nói rằng: “Nên ghi vào chương trình nhà trường dạy nam, nữ học sinh lớn nhỏ sự tham thiền luận lý và ứng dụng. Tôi thấy nó là cái sức mạnh đỡ nổi hoàn cầu. (Il faut inscrire la méditation théorique et pratique au programme des écoles de deux sexes et pour tous les ages. Je vois en elle un levier capable de soulever le monde.) (Page 174)
THIỀN ĐỊNH LÀ GÌ ?
Trong chữ THIỀN ĐỊNH gồm có THIỀN (tham thiền), nghĩa là yên lặng, suy tưởng và ĐỊNH (định trí), có nghĩa là kềm giữ cái Trí chăm chú vào một vấn đề nhất định, không cho xao lãng. THIỀN ĐỊNH nghĩa là yên lặng, tập trung tư tưởng lại và chăm chú vào một chỗ cho thông suốt tới đạo lý.
THAM THIỀN
Theo nghĩa hẹp,Tham Thiền là suy xét kỹ lưỡng một vấn đề.
Theo nghĩa rộng, Tham Thiền là danh từ Đạo lý, chỉ sự tu niệm về đường tinh thần để cho tia sáng minh triết có sẵn trong lòng người chủ trương đốc xuất, đưa mình lên cõi thiêng liêng. Tự cổ chí kim, các bậc hiền triết, các nhà Tôn giáo trứ danh đều tham thiền để thấu hiểu sự đời, cảm hứng cao thượng và trực tiếp đến những tư tưởng siêu việt, đạo đức thâm uyên. Phàm bí quyết của Trời Đất, hễ nghiền ngẫm mãi rồi thì cũng có thể thấu triệt được lý lẽ cao siêu và giải quyết được nhiều bí ẩn.
Đức Pythagore cũng dạy:
“Tham thiền là một động cơ rất mạnh, thúc đẩy sự tiến bộ về đường tinh thần, trí thức và đạo lý. Bởi vì những sức mạnh cao siêu, những ý nghĩa huyền mặc, những sự phát minh to tát về đường tinh thần, đều phải được tư tưởng đến luôn, nghiền ngẫm đến luôn, phải có bình tĩnh mà tham thiền thì mới xuất hiện ra được.”
o o o
ĐỊNH TRÍ
Định trí có nghĩa là kềm giữ cái trí cho nó chăm chú vào một vấn đề nhất định, không để xao lảng.
Nhờ có định trí mà ta mới có thể suy nghĩ chính chắn, thấu đáo vấn đề cần giải quyết. Định trí là một phương tiện giúp cho sự tham thiền đạt được kết quả.
Chúng ta thử đem một tờ giấy trải ra ngoài trời, dầu nắng gắt bao nhiêu nó cũng không cháy được. Nhưng nếu ta đem để nó dưới tiêu điểm (foyer) của một tụ quang kính (loupe) thì trong vòng một hai phút nó đã bốc cháy, vì sức nóng của mặt trời đều gom vào đó.
Sự định trí cũng giống như thế. Muốn giải quyết một vấn đề nào thì phải suy nghĩ mãi về vấn đề đó cả giờ, cả ngày, cả tháng, hoặc cả năm nầy qua năm nọ nếu cần, tới một ngày kia, ánh sáng sẽ hiện ra.
Con người muốn trở nên thông minh, sáng suốt, thì phải học hỏi cho thấu đáo mọi việc, tập mở trí suy nghĩ cho tường tận các vấn đề. Nhưng nếu ta chưa định trí được để nó cứ lao chao mãi thì không thể nào thành công. Một bằng chứng cụ thể cho ta thấy là khi muốn giải quyết một bài toán đố khó, mà trí ta không yên tịnh, ta không chăm chú vào vấn đề giải toán lại suy nghĩ viễn vông, nhớ các vấn đề khác, thì ta không làm sao giải bài toán được.
Vì thế, ta cần phải tập cho cái trí chăm chú vào một vấn đề nhất định. Định trí có hiệu quả thì tất cả sinh lực thiêng liêng đều dồn vào óc.
Khi định trí đến mức tai không còn nghe tiếng ồn ào quanh mình, hay tiếng nói bên cạnh, mắt không còn thấy người đứng trước mặt, mũi không còn cảm biết được những mùi phảng phất bên ta, mà trí vẫn sáng suốt, là ta đã đạt đến trạng thái ĐẠI ĐỊNH.
Hằng ngày, ai cũng có THIỀN ĐỊNH. Người buôn bán yên lặng suy nghĩ tìm cách để tiêu thụ một món hàng ối đọng, người nông phu ngồi trầm tư tính toán để giải quyết miếng ruộng bị hư hại; người thợ mộc chăm chỉ đo, ghi, đục mộng để đóng một cái tủ cho thật khéo, một chánh trị gia hay một quân nhân bóp trán để tìm biện pháp ngăn chận kẻ thù; một học sinh, sinh viên ôm đầu suy nghĩ để giải một bài toán hay làm một bài luận; đó là họ THIỀN ĐỊNH vậy. Tuy nhiên, cách thiền định nầy chưa theo đúng phương pháp và thiếu bền chí nên kết quả chưa bao nhiêu.
Xưa kia, Phạm Ngũ Lão ngồi vót nan đan sọt mà miên man suy nghĩ việc dân, việc nước cho đến nỗi quân lính la ó cũng không hay, chừng bị giáo đâm vào đùi mới tỉnh, nhờ vậy mà sau ông được thành công trong các việc lớn.
Và sau đây là câu chuyện của ông Archimède:
“Vua Syracuse là Hiéron đặt thợ kim hoàn làm một cái mũ triều thiên bằng vàng. Làm xong, Ngài nghi ngờ thợ có pha bạc vào vàng. Ngài bèn bảo ông Archimède suy nghĩ cách nào để cái mũ vẫn còn nguyên vẹn mà có thể khám phá đuợc sự gian lận. Archimède suy nghĩ lâu lắm, nhưng chưa tìm ra giải pháp nào cả, vì thế mà trong khi ăn ngủ nằm ngồi, lúc nào ông cũng không quên việc đó. Một hôm, ông đang tắm, ông
thấy sao chân tay ông để vô nước thì mất sức nặng của nó rất nhiều. Ông giơ chân lên một cách dễ dàng. Ông trầm ngâm nghĩ ngợi và lúc đó trí hóa ông vụt trở nên sáng suốt. Ông tìm được nguyên lý mà ngày nay học sinh các trường Trung Học đều biết: “Vật nào thả xuống nước cũng bị một sức đẩy từ dưới lên trên, mạnh bằng trọng lượng của nước bị xê dịch”.
Ông mừng quá, chạy ra đường quên cả mặc quần áo, ông vừa chạy vừa la lên: Eurêka, Eurêka. (tôi tìm được, tôi tìm được).
Đấy là những bằng chứng cho ta thấy rằng: THIỀN ĐỊNH không có chi lạ và khó, ai cũng có thể tập THIỀN ĐỊNH được. Nó rất hữu ích cho tất cả mọi người, nhất là học sinh, sinh viên. Nếu muốn thâu thái được nhiều kết quả trong việc học hành, muốn trí huệ được mau mở mang thì không thể bỏ qua vấn đề THIỀN ĐỊNH.
THIỀN ĐỊNH CÓ ÍCH LỢI CHO SINH VIÊN, HỌC SINH
Khi đã hiểu ý nghĩa của hai tiếng THIỀN ĐỊNH rồi, chúng ta thấy sinh viên hay học sinh nào chịu tập Thiền Định sẽ được rất nhiều lợi ích.
1/- HỌC BÀI, LÀM BÀI DỄ DÀNG.
Phần đông học sinh chúng ta, khi học bài, làm bài, thường hay bị chi phối bởi những cảnh vật bên ngoài. Miệng đọc, tay cầm bút, nhưng mà trí thì để tận đâu đâu. Ta nhớ tới trận túc cầu chiều hôm trước, cuốn phim chiếu bóng tuần rồi, hoặc nói chuyện khào, nhìn mây bay, nghe chim kêu, nhạc trổi mà có khi cả tiếng đồng hồ chưa nhớ được một chữ hay viết được một câu.
Nhưng nếu đã tập Thiền Định quen, thì trong khi ta học hay làm bài, dầu cho sấm nổ, chớp giăng, hoặc có ai múa hát trước mặt, cũng không làm cho trí ta xao lảng, mà ta vẫn yên tĩnh, thản nhiên, tìm hiểu thấu đáo được vấn đề của ta đang theo đuổi và ta học thuộc bài hay làm bài một cách dễ dàng.
2/- MỞ ĐƯỢC CÁC ĐỨC TÍNH TỐT
Trong chương trình học ở trường có môn Đạo Đức - Công dân - Triết học, với mục đích để rèn luyện những đức tính tốt của con người. Nhưng mỗi tuần, nếu ta chỉ ngồi nghe thầy giảng vài mươi phút, thảo luận qua loa rồi chép bài về học thì kết quả rất ít ỏi. Lúc còn nghe giảng, còn thảo luận, thì ta còn để ý đến những việc phải làm, những điều cần tránh. Nhưng khi hết giờ học rồi thì ta lại làm những điều sái quấy mà ta vẫn không hay. Đó là tại ta chưa hoàn toàn chú tâm đến vấn đề và chưa đặt cho mình một kỷ luật phải theo.
Để cải thiện những khuyết điểm trên, ngoài việc nghe thầy giảng và học bài, ta phải để ra mỗi ngày thêm vài mươi phút đặng Thiền định, đem hết tâm trí suy gẫm đề tài hay đức tính tốt mà ta vừa học hỏi, tìm hiểu nguyên nhân, xem xét kết quả, những việc ta phải làm, những điều ta phải tránh, tự đặt cho mình một kỷ luật phải noi theo để thực hành, và quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Chắc chắn ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp hơn vô cùng.
Thiền định về những đề tài đạo đức, không những nó giúp ta hiểu rành bài học, thực hành được những điều cao quý, mà nó còn giúp ta đạt được kết quả dễ dàng khi làm những luận đề LUÂN LÝ trong các kỳ thi, vì ý tứ ta đã có sẵn trong đầu, khỏi cần phải nghĩ suy lâu lắc.
Ngoài ra, nếu ta có thể luôn luôn suy gẫm đến những đức tánh tốt, bất kỳ lúc nào, ngoại trừ giờ học các môn học khác, thì kết quả sẽ không còn gì hơn nữa, vì như vậy, trí ta sẽ không bị bỏ trống, khỏi bị tư tưởng xấu xâm nhập và ta sẽ không còn thì giờ đâu để nghĩ, hay làm những điều xằng bậy, lố lăng.
3/- TRÁNH ĐƯỢC NHỮNG SỰ SỢ SỆT, LO BUỒN
Đời học sinh gặp không thiếu chi những cảnh sợ sệt, lo buồn. Khi được thầy gọi lên đọc bài, làm bài, thuyết trình v.v. . . nhất là trong các cuộc thi, chúng ta khó tránh được những phút lo âu, hồi hộp. Sự lo sợ phập phồng đó có thể thay đổi kết quả một cách bất ngờ. Vì thiếu bình tĩnh, chúng ta sẽ quên mất bài đã học và không còn sáng suốt để suy luận nữa.
Thế nên ta cần phải tập Thiền Định cho quen trầm tĩnh. Khi gặp những trường hợp như trên, chúng ta cứ tập trung tư tưởng, bắt trí ta chăm chú vào những việc phải làm (đọc bài, làm bài, v.v. . .) và nhất định không để cho một ý nghĩ sợ sệt bâng quơ len vào đầu óc, chúng ta sẽ không còn hồi hộp và ta sẽ vững tâm hơn. Thiền định còn có thể trị được bệnh yếu tim.
Gặp trường hợp rủi ro, như làm bài sai, thi bị đánh rớt, nhờ phương pháp Thiền Định, ta có thể giữ không cho những nỗi buồn phiền, đau khổ, sự náo loạn xâm chiếm tâm hồn ta. Ta dựa vào luật Nhân Quả để tự an ủi, rồi nghiên cứu lý do thất bại để cải thiện, sửa đổi và tạo cho mình một niềm tin tưởng, hy vọng ở tương lai.
Khi bạn bè có lầm lỗi với ta, thay vì giận hờn, oán trách, ta dùng phương pháp Thiền Định để tha thứ cho bạn. Chúng ta nhớ đến sự ôn hòa, lòng vị tha, bác ái, để giữ cho tâm được an ổn và kịp thời tìm những điểm tốt, đáng thương, đáng mến của bạn, bắt trí ta suy nghĩ và định vào đó. Thế là cơn giận của chúng ta sẽ nguôi ngoai, chúng ta không còn oán ghét bạn mà trở lại thương hơn. Tình đoàn kết nhờ đó sẽ nảy nở.
4/- TRÍ TUỆ ĐƯỢC MỞ MANG, SÁNG SUỐT.
Trên đây là một vài lợi ích được nêu ra đối với những người chưa tin vào khoa HUYỀN BÍ HỌC. Nếu vấn đề được đặt ra cho những người đã có lòng tin về khoa HUYỀN BÍ HỌC thì nó sẽ còn thêm nhiều lợi ích vô cùng.
Ai đã đọc qua những sách nói về TƯ TƯỞNG và thể TRÍ của con người cũng đều biết rằng: thể TRÍ sanh ra tư tưởng và thâu hút những tư tưởng hạp với nó. Tư tưởng cũng có hình dạng và màu sắc. Nếu tư tưởng trong sạch, thanh cao, tốt đẹp thì nó làm cho cái TRÍ chiếu ra màu sắc chói lòa, tươi sáng, đẹp đẽ. Còn tư tưởng quấy thì màu sắc của cái TRÍ bị u tối, xấu xa.
Ngoài ra, các loại tư tưởng của con người, từ xưa đến nay, đều gom lại và tồn tại ở cõi Thượng Giới. Những tư tưởng nào thuộc về một vấn đề, một loại với nhau thì ở chung một chỗ gọi là TRUNG TÂM TƯ TƯỞNG. Có những Trung Tâm Tư Tưởng tốt, có những Trung Tâm Tư Tưởng xấu, Trung Tâm Tư Tưởng thuộc về Triết học, Vật Lý học, Tự Nhiên học, Hóa học, Thiên văn học, Sử học, Địa dư học, Địa Chất học v.v. . .
Trung Tâm tư tưởng nào thì rút gom vào đấy những tư tưởng, ý kiến, thuộc loại đó của con người trên Địa cầu, từ đời nầy sang đời nọ, không phân biệt trúng, trật, hay, dở, cao, thấp, liên lạc hay rời rạc.
Vì cái Trí có đặc tính thu rút những tư tưởng đồng bản chất với nó, nên khi chúng ta ngồi suy nghĩ sâu xa về một vấn đề gì thì tư tưởng của ta giao tiếp với trung tâm tư tưởng loại đó. Tùy theo bực tấn hóa của ta, cái Trí ta sẽ thu rút được những tư tưởng hợp với nó. Nhờ vậy, ta nảy sanh được những ý kiến mới và sẽ biện luận vấn đề theo một phương diện mới khác. Hơn nữa, nếu ta cố gắng luyện tập Thiền Định thì tâm trí ta không còn xao xuyến, nó sẽ được bình tịnh như mặt nước hồ thu khi trời lặng gió, và nhờ thế ta sẽ thấy rõ được mọi vấn đề huyền bí cao siêu, trí huệ ta sẽ mỗi ngày một mở mang và ta sẽ trở nên sáng suốt.
Các nhà bác học, khi phát minh được những điều mới lạ, sáng chế được những máy móc tinh vi, các triết gia có những tư tưởng phi phàm, thì thường tưởng rằng đó là những điều mình tìm ra trước tiên, nhưng thật sự, hầu hết nó là những tư tưởng đã có sẵn từ lâu ở các Trung Tâm Tư Tưởng, mà các vị ấy đã thâu rút được trong lúc các ngài tập trung tư tưởng, đem hết tâm trí tìm tòi học hỏi về nó.
5/- ĐƯỢC SỰ TRỢ GIÚP VÔ HÌNH
Cũng có trường hợp, chúng ta đang cố gắng suy nghĩ về một vấn đề gì, ví dụ, một bài toán đố khó, mà chúng ta không thể tìm ra lối giải, khi đó nếu có một vị Phò Trợ Vô Hình (Aide invisible) đi qua và thấy chúng ta hiền lành, thật thà đáng mến, Ngài sẽ giúp tư tưởng cho ta, bằng cách phóng tia sáng vào trí ta, làm cho ta thấy được cách giải dễ dàng mà ta không ngờ có người hộ trợ.
6/- TIẾP ĐƯỢC THẦN LỰC VÀ ÂN HUỆ.
Sau cùng, nếu ta là một người có tâm đạo, đã diệt được lòng trần tục, thấp hèn, bỏ được những tánh ích kỷ hại nhơn, mà chỉ nghĩ đến việc cứu giúp muôn loài vạn vật, có những tư tưởng trong sạch, thanh cao, khi thiền định một cách đúng đắn, ta sẽ tiếp nhận được những thần lực và ân huệ của các Đấng Thiêng Liêng từ cõi trên ban xuống, làm cho tâm ta lần lần trở nên thơ thới, yên tĩnh, trí ta sáng suốt, chúng ta có thể mở được những khả năng huyền bí còn tiềm ẩn trong con người; nó là phương tiện để ta học hỏi những vấn đề huyền bí ở các cõi vô hình, để ta giúp đời và bước lần sang bờ giác.
KẾT LUẬN
Tóm lại, đối với SINH VIÊN, HỌC SINH, vấn đề THIỀN ĐỊNH thật hữu ích vô cùng. Nó là điều kiện tối cần để đưa người học trò đến chỗ thành công. Nó giúp cho người học trò học bài, làm bài được dễ dàng, nhanh chóng, mở được các đức tính tốt, chế ngự được những sự đau khổ, sợ sệt, lo buồn bâng quơ, tạo được cảm tình với bạn bè và tất cả người đời, trí huệ được mở mang sáng suốt, được sự giúp đỡ của những vị Phò Trợ Vô Hình, tiếp nhận được những thần lực và ân huệ của các Đấng Thiêng Liêng từ cõi trên ban xuống.
Nếu các bạn học sinh, sinh viên chịu phân phối thời giờ, trong mỗi ngày, dành cho mỗi môn như Luân lý, Công dân, Khoa học, Triết học, Toán học, Thiên văn, Đạo đức v.v. . . một thời gan để Tham Thiền, suy ngẫm, thêm 15 phút vào lúc sáng, khi mới thức dậy, để tưởng niệm các vị Phật Tiên, hầu noi gương các Ngài, các bạn rán kiên tâm, bền chí, đừng bỏ dở, đứt đoạn, chắc chắn các bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng không sao lường được, và sẽ thấy đời sống của mình thay đổi một cách lạ thường.
Muốn hiểu rành cách thức THIỀN ĐỊNH, các bạn liên hệ Huyền Linh