BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Blockchain là gì? Tìm hiểu về công nghệ Blockchain và ứng dụng

 Nếu thường xuyên theo dõi thông tin về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư hay tiền điện tử trong vòng 10 năm trở lại đây, chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy sự xuất hiện của khái niệm Blockchain – Công nghệ tạo nên Bitcoin. Khi tìm hiểu bạn sẽ thấy những định nghĩa kiểu “Blockchain là cuốn sổ cái phân tán, phi tập trung và công khai”, nghe vẫn rất khó hiểu. Đừng lo lắng, bởi trong bài viết này, Blockzone.tech sẽ cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất về công nghệ Blockchain và Ứng dụng Blockchain vào các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống nhé.

Blockchain là gì?

Blockchain (chuỗi khối) là hệ thống lưu trữ thông tin và truyền tải dữ liệu an toàn thông qua hệ thống mã hóa phức tạp, được mở rộng theo thời gian. Thông tin lưu trữ trong các khối được liên kết với nhau và được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia mạng.

Nói cách khác, Blockchain là một chuỗi các khối được liên kết với nhau. Trong đó, thông tin được lưu trữ công khai, ai cũng có thể xem và đối chiếu.

Cụ thể hơn, một block sẽ gồm 3 phần thông tin:

  1. Các khối sẽ lưu trữ thông tin về giao dịch gồm thời gian, giá tiền đơn hàng gần nhất của bạn từ Tiki (lưu ý: đây là ví dụ nhé, thực tế Tiki chưa áp dụng blockchain vào thanh toán)
  2. Lưu thông tin những người tham gia giao dịch. Trong trường hợp này sẽ là tên của bạn và công ty Tiki. Tuy nhiên thay vì sử dụng tên thật của bạn thì hệ thống sẽ lưu lại địa chỉ ví tiền điện tử – một dạng chữ ký điện tử, tương tự như tên tài khoản.
  3. Các khối chứa thông tin sẽ tách biệt với các khối khác. Giống kiểu tôi và bạn đều có tên riêng, thì các khối thông tin này cũng sẽ được đặt tên để dễ phân biệt, nó được gọi là “hash”. Giúp chúng ta dễ dàng phân biệt và theo dõi các khối khác nhau.
Thông tin trong một khối Blockchain
Thông tin trong một khối Blockchain

Trong ví dụ trên, chỉ có 1 đơn hàng Tiki được lưu trữ trong 1 khối. Tuy nhiên, trên thực tế thì mỗi khối có thể lưu trữ từ 1 – 128Mb dữ liệu. Có nghĩa là có thể lưu trữ hàng nghìn, hàng chục nghìn giao dịch trong một khối.

Điểm đặc biệt của công nghệ Blockchain đó là truyền tải dữ liệu không cần trung gian. Thông tin sẽ được xác thực bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống mà không cần sự tin tưởng lẫn nhau.

Mọi dữ liệu khi được nhập vào Blockchain sẽ không thể nào thay đổi được, chỉ có thể bổ sung khi nhận được đồng thuận của tất cả các nút tham gia hệ thống. Đây là một bước đột phá, giúp đảm bảo an toàn cho những thông tin dễ bị đánh cắp. Kể cả khi một phần hệ thống gặp vấn đề thì các máy khác không bị ảnh hưởng vẫn giúp hệ thống hoạt động và bảo vệ thông tin.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ Blockchain

Khi một khối lưu trữ thông tin mới, nó sẽ được thêm vào Blockchain. Đúng với tên gọi, Blockchain là một tập hợp các khối được kết nối với nhau. Khi một khối được chấp thuận và thêm vào blockchain, sẽ có 4 sự kiện chắc chắn phải xảy ra.

  1. Giao dịch được thanh toán. Quay trở lại ví dụ mua hàng trên Tiki, sau khi bạn chọn được đồ mình muốn, bạn sẽ ấn thanh toán mua hàng.
  2. Giao dịch phải được xác minh. Như các hệ thống thanh toán khác như kiểu Ngân hàng, Chứng khoán,… sẽ phải có 1 người làm nhiệm vụ xác minh. Còn với Blockchain Technology thì mạng máy tính sẽ làm điều đó. Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn máy tính trên toàn thế giới đang tham gia vào hệ thống Blockchain (còn gọi là nodes). Sau khi bạn đã thanh toán cho Tiki, mạng máy tính này sẽ kiểm tra xem có đúng là bạn đã thanh toán không, bao gồm thời gian thanh toán, số tiền, và người tham gia giao dịch. Tất cả chỉ diễn ra trong vài giây.
  3. Giao dịch phải được lưu trữ trong một khối. Sau khi giao dịch của bạn được xác minh thành công, mọi thông tin sẽ được lưu vào khối, như là số tiền, địa chỉ ví của bạn, địa chỉ ví Tiki. Sẽ có hàng nghìn giao dịch như vậy trong một khối.
  4. Khối phải có hash. Sau khi tất cả giao dịch trong khối được xác minh, nó sẽ nhận được một mã hash duy nhất, kết hợp với mã hash của khối trước nó, tất cả được mã hóa rồi lưu vào Blockchain.

Sau khi được thêm vào Blockchain, nó sẽ được công khai, tất cả mọi người đều có thể xem.

Quá trình hình thành của nền tảng Blockchain

Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Blockchain đã tiến hóa qua 3 giai đoạn chính:

Blockchain 1.0 – Tiền tệ và thanh toán: Đây là giai đoạn sơ khai, ứng dụng chính trong giai đoạn này chỉ đơn giản là chuyển tiền, thanh toán. Nổi bật trong giai đoạn đó là Bitcoin.

Blockchain 2.0 – Tài chính thị trường: Với sự xuất hiện của Hợp đồng thông minh, giai đoạn này Blockchain được phát triển nhằm mục đích ứng dụng vào hệ thống tài chính ngân hàng, mở rộng quy mô, quản lý các loại tài sản liên quan đến hợp đồng. Nổi lên trong giai đoạn này là Ethereum.

Blockchain 3.0: Đây là phiên bản hiện tại, cao nhất của Blockchain. Ứng dụng của Blockchain sẽ đi vào thêm nhiều lĩnh vực khác như chính phủ, y tế…

Ưu điểm của Blockchain Technology là gì?

Tiềm năng của Blockchain là một nơi lưu trữ thông tin phi tập trung không có giới hạn. Với những điểm mạnh về tính riêng tư, bảo mật cao cho đến phí giao dịch thấp, ít sai sót, công nghệ blockchain có thể mang đến những bước đột phá cho những ngành ứng dụng loại công nghệ mới này. Sau đây là một số ưu điểm nổi bật của hệ thống:

Tính chính xác

Giao dịch trên hệ thống Blockchain được xác minh bởi hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu máy tính. Việc giảm phụ thuộc con người vào quá trình xác minh giúp làm giảm những sai sót do con người gây ra, làm tăng tính chính xác của các dữ liệu. Kể cả khi một máy tính toán sai, lỗi đó cũng chỉ nằm trên máy đó, không gây ảnh hưởng đến hệ thống. Để gây ảnh hưởng đến hệ thống, lỗi đó phải nằm trên 51% số máy trong mạng lưới – đây là một điều khó có thể xảy ra.

Chi phí

Thường thường, chúng ta sẽ phải trả phí cho một bên thứ ba khi muốn làm gì đó, ví dụ như trả phí giao dịch cho ngân hàng, phí làm sổ đỏ, phí xác minh sơ yếu lý lịch… Với công nghệ Blockchain, sẽ không cần đến bên thứ ba, nên sẽ tiết kiệm được những chi phí phát sinh.

Phi tập trung

Nền tảng Blockchain không lưu trữ thông tin tại một trung tâm dữ liệu. Tất cả mạng lưới blockchain được sao chép và lưu trữ trên toàn bộ nút trong mạng lưới. Mỗi khi một khối mới được thêm vào, mỗi máy tính trong mạng lưới tự cập nhật. Bằng cách này, hệ thống Blockchain trở nên bất khả xâm phạm.

Tính hiệu quả

Khi giao dịch qua một đơn vị trung gian, có thể mất đến mấy ngày để xử lý. Ví dụ, Chủ nhật bạn muốn ra ngân hàng chuyển tiền thì chịu rồi. Trong khi các tổ chức tài chính làm việc trong giờ hành chính, 5 ngày/tuần thì Blockchain hoạt động 24/7. Các giao dịch sẽ hoàn thành trong khoảng 10 – 30 phút. Tính hiệu quả còn thể hiện qua các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch mang tính chất toàn cầu, vốn thường bị giới hạn về múi giờ và yêu cầu tất cả các bên tham gia phải xác nhận thanh toán.

Tính riêng tư

Mặc dù công nghệ Blockchain là hệ thống dữ liệu công khai, ai cũng có thể xem chi tiết giao dịch, nhưng họ sẽ không thể biết danh tính của những người trong giao dịch đó. Khi một người thực hiện giao dịch, địa chỉ ví của họ (Public Key) sẽ được lưu vào Blockchain chứ không phải thông tin cá nhân của họ. Giảm nguy cơ lộ thông tin cá nhân trong các giao dịch.

Bảo mật

Khi giao dịch được khởi tạo, nó phải được xác minh bởi hệ thống hàng triệu máy tính. Sau khi được xác minh thành công, giao dịch mới được thêm vào mạng Blockchain dưới dáng chuỗi khối.

Tính minh bạch

Công nghệ Blockchain là nguồn mở, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể lập trình lại hệ thống miễn là phần lớn sức mạnh của mạng lưới (51%). Dữ liệu lưu trữ trên Blockchain khó bị giả mạo hơn. Với sự giám sát của hàng triệu máy tính, không một thay đổi nào mà không bị phát hiện.

Rào cản ngăn công nghệ Blockchain tiếp cận cuộc sống

Dù có rất nhiều cơ hội cho Blockchain khi ứng dụng vào thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong việc áp dụng nó. Rào cản không chỉ đơn giản là về mặt kỹ thuật, mà còn về chính trị và các quy định. Cần hàng nghìn giờ để thiết kế lại phần mềm, cơ sở hạ tầng để tích hợp blockchain vào doanh nghiệp. Dưới đây là một số hạn chế của Blockchain.

Chi phí

Mặc dù, công nghệ này giúp tiết kiệm phí giao dịch, nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn miễn phí. Ví dụ, Cơ chế Proof of Work mà Bitcoin sử dụng để xác nhận giao dịch tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Hiện tại, lượng điện tiệu thụ từ hàng triệu máy tính trong mạng Bitcoin tương đương với của Đan Mạch trong 1 năm. Chi phí để tạo ra 1 BTC đang dao động từ $531 – $26170 tùy địa điểm.

Riêng tư

Trong khi, danh tính người dùng được bảo mật để tránh rủi ro bị hack và lộ thông tin các nhân thì nó cũng tiếp tay cho các giao dịch trái phép. Vụ nổi tiếng nhất nhất là Silk Road, một chợ ngầm chuyên bán vũ khí, ma túy trái phép thanh toán qua Bitcoin, bị FBI đánh sập năm 2013.

Khả năng bị tấn công

Nhiều đồng tiền ảo mới có khả năng bị tấn công 51%. Mặc dù rất khó để thực hiện loại tấn công này do cần phải có một lượng lớn máy tính để có đủ sức kiểm soát hệ thống, nhưng gần đây hacker có thể thuê thay vì mua mới tất cả thiết bị, điều này khiến cho khả năng tấn công cao thêm một chút.

Một số cơ chế đồng thuận trong nền tảng Blockchain

Cơ chế đồng thuận Blockchain là cách các máy tính trong mạng lưới đồng thuận để xác minh một giao dịch. Dưới đây là một số loại phổ biến:

  • Proof of Work (POW) – Bằng chứng công việc: Cơ chế phổ biến nhất sử dụng trong nhiều loại blockchain như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Dogecoin, ZCash… Cơ chế này sử dụng sức mạnh tính toán của các máy tính nên tốn rất nhiều năng lượng.

Tìm hiểu Proof of Work là gì?

  • Proof of Stake (POS) – Bằng chứng cổ phần: Cơ chế này chỉ yêu cầu các thành viên giữ một lượng coin nhất động trong ví nên tốn ít năng lượng hơn. Một số đồng tiền ảo sử dụng cơ chế này: NEO, Decred

Tìm hiểu Proof of Stake là gì?

  • Delegated Proof of Stake (DPOS) – Ủy quyền cổ phần: Cơ chế này có ưu điểm là chi phí giao dịch thấp, khả năng mở rộng cao, hiệu suất cao. Người dùng có thể ủy quyền số cổ phần cho một người đáng tin cậy mà không lo bị mất. Các đồng tiền ảo sử dụng phương thức này: Fantom, Steemit, EOS, Bitshares.
  • Proof of Authority (POA) – Bằng chứng ủy nhiệm: Hiệu năng cao, khả năng mở rộng tốt, thường được thấy trong POA.Network
  • Proof of Weight – Bằng chứng khối lượng: Cơ chế đồng thuận thường thấy ở Algorand, Filecoin.
  • Byzantine Fault Tolerance: Cơ chế được sử dụng trong Hyperledger, Stellar, Dispatch, Ripple. Hiệu suất cao, chi phí thấp, khả năng mở rộng không giới hạn. Tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự tin tưởng tuyệt đối.

Tìm hiểu về ứng dụng của công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain thực sự là một phương thức lưu trữ dữ liệu đáng tin cậy và hiệu quả. Nó có thể được ứng dụng để lưu trữ thông tin giao dịch bất động sản, chuỗi cung ứng, bỏ phiếu bầu cử. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của công nghệ blockchain hiện nay.

Ứng dụng Blockchain trong Tài chính Ngân hàng

Đây là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nếu áp dụng thành công Blockchain. Các tổ chức tài chính chỉ làm việc trong giờ hành chính, 5 ngày/tuần. Có nghĩa là nếu bạn muốn gửi tiền cho người thân ở nước ngoài, sẽ phải mất 3-5 ngày để giao dịch được xác minh và xử lý thành công. Blockchain thì khác, nó hoạt động 24/7, khi ứng dụng thành công, khách hàng có thể gửi và nhận tiền ở bất kỳ nơi đâu chỉ trong vòng 10 phút.

Santander, một ngân hàng tại Châu Âu, ước tính khách hàng có thể tiết kiệm 20 tỷ $/năm nếu áp dụng công nghệ Blockchain.

Ứng dụng Blockchain trong Tiền điện tử

Blockchain là nền tảng của các loại tiền điện tử, nổi tiếng nhất là Bitcoin. Những đồng tiền pháp định, như VNĐ đều được bảo đảm và công nhận bởi chính phủ và các cơ quan trung ương. Tuy nhiên, nếu người dân sống tại một đất nước có chính trị không ổn định như Zimbabwe, Venezuela thì đồng tiền có thể bị trượt giá mạnh. Bitcoin ra đời với ý tưởng để giải quyết những nỗi lo đó.

Bằng cách hoạt động dựa trên hàng triệu máy tính, không cần đến một cơ quan quản lý tập trung, làm giảm rủi ro, giảm chi phí giao dịch. Cung cấp cho các quốc gia có tiền tệ không ổn định một loại tiền tệ ổn định hơn.

Ứng dụng Blockchain trong Y tế, giáo dục

Các cơ sở y tế có thể tận dụng ưu thế của Blockchain để lưu trữ bệnh án bệnh nhân. Khi một hồ sơ được lưu trên Blockchain, bệnh nhân có thể tin tưởng tuyệt đối rằng nó sẽ không thể bị chỉnh sửa, làm giả. Chỉ có một số người sở hữu “Private Key” mới được quyền truy cập, đảm bảo sự riêng tư.

Trước vấn nạn bằng cấp giả như hiện nay, rất nhiều người có thể mua bằng mà chả cần phải học hành gì. Các nhà quản lý đã nghiêm túc bàn bạc để tìm ra một giải pháp. Blockchain sẽ phát huy tốt tiềm năng của mình khi được ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục. Khiến cho việc mua bằng giả là không thể xảy ra.

Ứng dụng Blockchain trong vào quản lý tài sản

Nếu bạn đã từng đi làm sổ đỏ, hay mua bán nhà rồi sẽ thấy, việc làm các thủ tục rất lằng nhằng và mất thời gian. Khi xong thủ tục, phải chờ nhân viên chuyển hồ sơ lên sếp duyệt, xong rồi mới nhập vào hệ thống. Trong trường hợp tranh chấp còn phải mất thời gian đối chiếu. Không chỉ tốn kém, mất thời gian mà đôi khi còn bị lỗi do nhân viên làm việc không chính xác.

Việc áp dụng Blockchain vào lĩnh vực quản lý quyền sở hữu tài sản giúp cho chủ sở hữu và các bên liên quan tin tưởng rằng thông tin là chính xác tuyệt đối, qua đó giảm bớt nhiều quá trình, tiết kiệm thời gian.

Ứng dụng Blockchain vào Chuỗi cung ứng

Đơn vị phân phối có thể sử dụng blockchain để lưu lại những sản phẩm mình đã mua. Giúp công ty xác minh sản phẩm của họ theo các nhãn “Địa phương”, “Thiên nhiên”,…

Ứng dụng Blockchain vào bầu cử

Áp dụng công nghệ Blockchain vào bầu cử sẽ loại bỏ gian lận và giúp cử tri đi bầu cử dễ dàng hơn. Vào tháng 12/2018, West Virginia, Mỹ đã áp dụng thử nghiệm. Mỗi phiếu bầu sẽ được lưu trữ trên blockchain, khiến chúng không thể bị làm giả. Nền tảng Blockchain cũng duy trì tính minh bạch, giảm nhân sự, cung cấp kết quả ngay lập tức.

Thuật toán Blockchain với sở hữu trí tuệ, thuế…

Blockchain sẽ là một công cụ tuyệt vời nhằm giải quyết vấn nạn ăn cắp bản quyền đang rất phổ biến ngày nay. Khi bạn phát minh, sáng tác ra một thứ gì mới, bạn có thể đăng ký bản quyền cho nó, sau đó dữ liệu sẽ được đăng lên hệ thống Blockchain. Đây là dữ liệu không thể làm giả, và không thể sửa đổi. Giúp khẳng định quyền sở hữu của bạn với tài sản đó.

Đối với việc thu thuế, ứng dụng công nghệ blockchain cũng giúp quá trình trở nên nhanh chóng và ít sai sót hơn, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian.

Chắc hẳn sau khi đọc xong bài viết, bạn cũng đã có thể hiểu được phần nào trả lời được câu hỏi Blockchain là gì?, nếu còn thắc mắc hay muốn chia sẻ kiến thức về công nghệ Blockchain thì hãy bình luận cùng chúng tôi ở bên dưới nhé.

Đừng quên Like, Share và ủng hộ Blockzone.tech trong những bài viết tiếp theo nhé.

 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT