BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Agroecology – Chìa khóa cho Sản xuất Nông nghiệp ứng phó với Biến đổi Khí hậu

 Vài năm gần đây, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã quan tâm đến những lợi ích và vai trò của “agroecology” (tạm dịch là nông nghiệp sinh thái) trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Thuật ngữ agroecology cũng trở nên ngày càng quan trọng và là trung tâm trong các tranh luận về tương lai của nông nghiệp thế giới. Ở Việt Nam, sức ép về phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế đang mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động “nông nghiệp xanh” như nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là những bước đi quan trọng, có tính nền móng định hình tương lai cho hệ sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam.

Agroecology – chìa khóa cho sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Agroecology là gì?

Khi biến đổi khí hậu và các hệ lụy của ô nhiễm môi trường đe dọa nền nông nghiệp sản xuất lương thực thế giới, hàng loạt thuật ngữ mới đã ra đời để mô tả những cách tiếp cận khác nhau với hy vọng tìm ra một giải pháp hữu hiệu cho một nền nông nghiệp bền vững, trong số đó agroecology là một thuật ngữ nổi bật.  Đầu thập niên 1980, Miguel A. Altieri – nhà nông học người Chile đã đưa ra định nghĩa có hệ thống đầu tiên về agroecology. Theo đó, agroeoclogy là một cách tiếp cận sản xuất nông nghiệp bằng cách áp dụng các nguyên tắc sinh thái và dựa trên kiến thức của nông dân. Miguel Altieri đề xuất 5 nguyên tắc sinh thái mà bất kỳ hệ thống sinh thái nông nghiệp nào cũng nên tuân thủ, gồm: 1) tái sử dụng sinh khối và cân bằng các dòng dinh dưỡng; 2) bảo vệ các điều kiện thổ nhưỡng có lợi cho cây trồng bằng cách tăng cường vật chất hữu cơ; 3) hạn chế sự thất thoát bức xạ mặt trời, nước và dinh dưỡng bằng cách duy trì cân bằng vi khí hậu, quản lý lớp phủ thổ nhưỡng và nguồn nước mặt; 4) tăng cường đa dạng sinh học ở vùng canh tác; và 5) tăng cường sự tương hỗ sinh thái có lợi và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu.

Đối với nhiều người, agroecology không chỉ là một hệ thống sản xuất lương thực hay một lĩnh vực nghiên cứu, mà còn là một phong trào xã hội mới thúc đẩy sự gắn kết giữa người sản xuất nông sản với người tiêu dùng [1]. Agroecology đang truyền cảm hứng ngày càng mạnh mẽ và được xem là một xu thế tất yếu thay thế các hệ thống sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững hiện nay. Một số nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận agroecology dựa trên tính tự chủ, nguyên tắc sử dụng khôn ngoan tài nguyên thiên nhiên và sự hợp tác có trách nhiệm của nhiều bên trong toàn bộ chuỗi nông – lương. Vì vậy, agroecology không phải là một hệ thống sản xuất hay một kỹ thuật nông nghiệp. Thay vào đó, nó được định nghĩa là “một cách tiếp cận sản xuất dựa trên các nguyên tắc và thực hành được thiết kế để thúc đẩy sự bền vững của hệ thống nông nghiệp phù hợp với điều kiện đặc trưng của địa phương và đảm bảo sự gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng như một yêu cầu sống còn đối với an ninh lương thực” [2].

Hiện nay, có nhiều hình thức khác nhau của sản xuất nông nghiệp dựa trên tiếp cận sinh thái. Tuy nhiên, chỉ mới có các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ được công nhận chính thức và thể chế hóa thành các quy định pháp luật trên thế giới. Mặc dù vậy, tiếp cận sinh thái đã tạo nên những khác biệt thực chất với các hệ thống nông nghiệp chuyên canh và công nghiệp hóa (bảng 1).

Bảng 1. Một số khác biệt nổi bật giữa sản xuất nông nghiệp sinh thái và nền nông nghiệp công nghiệp hóa hiện nay. Nguồn: Angelika Hilbeck and Bernadette Oehen (2018) [2].

Agroecology và nông nghiệp thông minh

Khi các phong trào xã hội và người dân dành sự quan tâm gia tăng cho agroecology, các nhà khoa học và bản thân các nền nông nghiệp công nghiệp hóa ở nhiều nước cũng bắt đầu thay đổi hướng tiếp cận. Thực tế là không thể xóa bỏ các hệ thống canh tác công nghiệp hóa hiện nay và không nhất thiết phải làm vậy. Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nông nghiệp và Phát triển quốc tế (IFAD), Nhóm tham vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR)… đang nỗ lực cho sự chuyển dịch của các nền công nghiệp sản xuất nông lương định hướng phát triển bền vững. Theo đó, yêu cầu về sản lượng vẫn là trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực đảm bảo gia tăng sản lượng theo phương pháp chuyên canh và lạm dụng công nghệ biến đổi gen, hóa chất, phân bón… được khuyến khích thay thế bằng các công nghệ mới có tính đến bối cảnh khan hiếm tài nguyên (nước, đất đai, lao động…) và các hệ lụy môi trường. Kết quả là nền nông nghiệp ở nhiều nước đã chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều công nghệ mới tân tiến trong chu trình sản xuất, từ công nghệ trồng trọt tiết kiệm nước, quan trắc môi trường từ xa, theo dõi và quản lý sâu bệnh bằng công nghệ di động (bẫy điện tử), cho đến ứng dụng robot và big data để thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm trong khi giảm đáng kể sức lao động. Ở nhiều nước, các công nghệ đó trở nên hữu ích trước các tác động khôn lường của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, mô hình sản xuất nông nghiệp tận dụng công nghệ được gọi là “nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu” (Climate-smart agriculture) hay ít phổ biến hơn là “nông nghiệp chính xác” (precision farming).

“Nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu” mau chóng được đón nhận và lồng ghép vào nhiều chính sách phát triển ở nhiều nước, nhất là các nước có mức độ công nghiệp hóa trong nông nghiệp rất cao như châu Âu và Bắc Mỹ. Vì vậy, thuật ngữ này lại trở thành xu hướng cho các nhà hùng biện về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu ở khắp các diễn đàn. Thậm chí, ngày càng nhiều người tin rằng “nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” và agroecology là tương đồng, hoặc chỉ là cách gọi khác nhau của một xu thế nông nghiệp. Điều này là bởi việc ứng dụng công nghệ cao trong thực hành sản xuất giúp gia tăng sản lượng và chất lượng, nhưng giảm thiểu phát thải ô nhiễm, giảm gánh nặng lên sinh thái địa phương và thích ứng tốt với các biến đổi thời tiết (vì vậy được gọi là “chính xác”). Thêm vào đó, sự tương đồng cũng đến từ quy mô ứng dụng. “Nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu”, cũng như agroecology, là một cách tiếp cận sản xuất nông nghiệp bao gồm các thực hành và quy tắc sản xuất bền vững, áp dụng phù hợp với bối cảnh địa phương.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở những gì không được đề cập trong “nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu” nhưng lại là bản sắc của agroecology: nông dân, gắn kết sinh thái và chuỗi sản xuất tuần hoàn. Trong mô hình “nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu”, tri thức bản địa và hiểu biết sinh thái của nông dân gần như không có giá trị. Thay vào đó, tiến bộ công nghệ và năng lực tài chính mới là trụ cột quyết định thành công [4]. Vai trò của công nghệ được ứng dụng là để “đơn giản hóa” hoặc “khắc phục” tự nhiên, trong khi agroecology trao quyền và tạo thuận lợi cho nông dân thử nghiệm các sáng kiến để tìm ra giải pháp thích hợp nhất với bối cảnh và nhu cầu của họ trong sự tôn trọng cân bằng tự nhiên.

Đối với các hệ thống canh tác theo tiếp cận sinh thái, tiến bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng, nhưng ở vị trí hỗ trợ cho người nông dân để đạt được mục tiêu về sản lượng trong khuôn khổ tôn trọng cân bằng sinh thái và tương thích với tri thức bản địa. Nói cách khác, nông dân là trung tâm và tác nhân chính định hình chiến lược sản xuất. Khi đó, giáo dục môi trường và đào tạo kỹ năng cho nông dân có ý nghĩa quan trọng và là một phần không thể thiếu trong tiếp cận sinh thái nông nghiệp.

Phần lớn các mô hình “nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu” sử dụng công nghệ nhà kính và môi trường canh tác nhân tạo (thủy canh, khí canh…) và đây được xem là sự khác biệt nữa với quy tắc cân bằng và gắn kết sinh thái trong agroecology. Ngoài ra, tính chất “tuần hoàn” trong các mô hình “nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu” thường ở phạm vi hẹp và không bao hàm môi trường sinh thái dù ở phạm vi địa phương.

Rào cản đối với agroecology

Nhiều chuyên gia tin rằng, agroecology sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch từ nông nghiệp lệ thuộc vào các tiếp cận sản xuất có mức độ phát thải ô nhiễm cao sang thực hành sản xuất bền vững, chú trọng bảo tồn chất lượng thổ nhưỡng và giảm suy thoái tài nguyên. Quan trọng hơn, sản phẩm hữu cơ và tái tạo cân bằng sinh thái là hai thế mạnh không thể thay thế của agroecology, giúp định hướng lại nhận thức và thói quen tiêu thụ của người tiêu dùng hiện đại. Mặc dù sản xuất nông nghiệp theo tiếp cận sinh thái có thể được áp dụng ở quy mô lớn, nhưng nó có ưu điểm nổi bật và dễ dàng áp dụng ở quy mô nông hộ bởi lợi thế so sánh về chi phí đầu tư lẫn tính bền vững. Chính vì vậy, tiếp cận sinh thái nông nghiệp được xem là cơ hội có tính cách mạng đối với nông dân sản xuất nhỏ – những người không đủ nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp hiện đại lệ thuộc vào công nghệ cao.

Theo các quan điểm về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, agroecology là giải pháp tiếp cận hứa hẹn và tương thích đầy đủ cho mục tiêu phát triển bền vững. Agroecology lấy nông dân và tri thức làm trung tâm, dựa trên các nguyên tắc sinh thái và thực hành bền vững mà khi được áp dụng đúng đắn sẽ giải quyết cùng lúc 10 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 [1]. Agroecology thúc đẩy sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp bằng cách đưa ra các giải pháp cân bằng và lâu dài dựa trên sự kết hợp kiến thức địa phương, truyền thống và kinh nghiệm thực tiễn với khoa học liên ngành. Điều đó tạo ra sự gắn kết và tham gia của nhiều bên với người nông dân làm trung tâm. Kết quả là nó tạo ra động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự tiến bộ ở cấp độ cộng đồng nông thôn [3].

Bất chấp các nỗ lực và cam kết quốc tế đối với agroecology, thực tế đáng buồn là nó vẫn còn xa lạ hoặc thậm chí đứng bên lề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chính sách phát triển bền vững ở nhiều nước. Các chuyên gia đã chỉ ra ít nhất 4 thách thức lớn cản trở khả năng nhân rộng của agroecology. Trước hết, tiến bộ công nghệ và hạ tầng chủ yếu hướng về đáp ứng nhu cầu của các mô hình hoặc tiếp cận sản xuất nông nghiệp mang tính thương mại và chuyên canh cao. Hai là, vị thế và lợi ích kinh tế của các bên trong chuỗi sản xuất và cung ứng nông lương không bình đẳng, trong đó công ty nông nghiệp – những người thu mua chính sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và cũng là người cung cấp sản phẩm đầu ra (công nghiệp chế biến thực phẩm) có quyền chi phối và dẫn dắt phương thức sản xuất lẫn đổi mới. Rào cản thứ ba đến từ lối sống hiện đại của người tiêu dùng. Bối cảnh xã hội và văn hóa tiêu dùng mới khiến chúng ta lệ thuộc ngày càng nhiều vào thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm công nghiệp tiện lợi. Nhu cầu này tạo động lực cho công nghiệp hóa nền nông nghiệp với mức độ siêu thâm canh để đảm bảo nguồn cung không giới hạn. Cuối cùng, sự ảnh hưởng của các tập đoàn nông nghiệp là một thách thức. Lợi thế về nguồn lực tài chính, đóng góp GDP và thị trường tiêu thụ lớn giúp họ dễ dàng tạo sức ép với các thay đổi không có lợi hoặc phản đối các thay đổi có khả năng đe dọa lợi nhuận của họ [5].

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nền sản xuất nông nghiệp sinh thái/nông nghiệp hữu cơ. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất, rất phù hợp cho chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp cũng là lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp sinh thái do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao cũng chính là lý do để nông nghiệp sinh thái phát trển.

Để đẩy mạnh phát triển nền sản xuất nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt Việt Nam cần tập trung giải quyết một số nội dung cụ thể liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, hướng dẫn và thực thi chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là cần khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái. Cần xác định rõ tiềm năng và dự báo xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái trên thế giới và trong nước; xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế, sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trên cơ sở đó các địa phương quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu và phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp sinh thái theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho nông nghiệp sinh thái.

Với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc hóa học… với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng. Hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước. Cũng như quy luật phát triển của hệ sinh thái, môi trường sinh thái cũng được quan tâm đầu tư và bảo vệ một cách cẩn trọng. Chính vì vậy, xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp sinh thái là xu hướng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

————————–

Tài liệu tham khảo:

[1] Swiss National FAO Committee (2019), Agroecology as a means to achieve the sustainable development goals, Federal Department of Economic Affairs, Education and Research EAER.
[2] Angelika Hilbeck and Bernadette Oehen (2018), “Agroecology – the most convincing proposal for transforming unstainable agro-food systems”, International Journal for Rural Development, 52, pp.8-10.
[3] Beate Scherf (2018), “Agroecology – a pathway to achieving the SDGs”, International Journal for Rural Development, 52, pp.14-16.
[4] FAO (2018), The 10 elements of agroecology guiding the transition to sustainable food and agricultural systems, Agroecology Knowledge Hub.
[5] Oliver de Schutter (2018), “Why we need an agroecological revolution?”, International Journal for Rural Development, 52, pp.7-8.

Xã hội điện thoại Thông minh hay sự Tiến hóa của Chủ nghĩa Tư bản?

 Giống như xe hơi đã định ra thế kỉ 20, điện thoại thông minh đang tái định hình cách chúng ta sống và làm việc ngày nay.

Xã hội điện thoại thông minh hay sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản?

Nguồn: Nicole M Aschoff, “The Smartphone Society”, Jacobin Magazine, 03/2015.

Biên dịch: Duy Đoàn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp.

Trong nhiều phương diện thì xe hơi là một món hàng quyết định của thế kỉ hai mươi. Tầm quan trọng của nó không bắt nguồn từ tính thục luyện kĩ nghệ hoặc độ phức tạp của dây chuyền sản xuất, mà thay vào đó bắt nguồn từ khả năng phản ánh và định hình xã hội. Những phương thức mà chúng ta sản xuất, tiêu dùng, sử dụng và điều tiết xe hơi chính là cửa sổ giúp chúng ta hiểu được chủ nghĩa tư bản của thế kỉ hai mươi – một cái nhìn sơ bộ về cách mà phần xã hội, chính trị và kinh tế giao cắt và đụng độ nhau.

Ngày nay, trong một giai đoạn mà đặc trưng là sự tài chính hóa và toàn cầu hóa, trong đó “thông tin” nằm ở ngôi vua, thì ý tưởng về bất kì món hàng nào định nên thời đại này trông có vẻ lạ kì. Nhưng hàng hóa ngày nay không kém phần quan trọng, và mối quan hệ của con người với chúng vẫn còn là điều trọng tâm để hiểu được xã hội. Nếu xe hơi là nền tảng để nắm bắt thế kỉ trước, thì điện thoại thông minh chính là món hàng quyết định nên thời đại chúng ta.

Ngày nay người ta đang dành nhiều thời giờ cho điện thoại của họ. Họ kiểm tra điện thoại liên tục suốt cả ngày và giữ điện thoại luôn ở gần bên mình. Họ ngủ kế bên điện thoại, mang chúng vào phòng tắm, và chăm chú vào chúng khi đang đi bộ, đang ăn, học, làm việc, chờ đợi và đang lái xe. 20% số thanh niên thậm chí còn thừa nhận có kiểm tra điện thoại trong lúc quan hệ tình dục.

Khi người ta dường như luôn mang chúng trên tay hoặc bỏ chúng trong túi ở bất cứ chỗ nào họ đến, suốt cả ngày dài, thì điều đó nghĩa là gì? Để cắt nghĩa cho cái mà chúng tôi cho là chứng nghiện điện thoại tập thể, chúng ta nên làm theo lời khuyên của Harry Braverman, và khảo xét “một mặt là chiếc máy và mặt kia là những mối liên hệ xã hội, và thể cách mà hai điều đó hợp cùng nhau trong xã hội.”

Thủ cơ (hand machine)

Người của Apple gọi cơ sở sản xuất của hãng Foxconn ở Thâm Quyến là Mordor – địa ngục của xứ Middle Earth trong tác phẩm của nhà văn J. R. R. Tolkien. Như một loạt vụ tự tử năm 2010 cho thấy một cách bi thảm, tên gọi như thế chỉ là cách nói cường điệu không quá bao nhiêu cho những nhà máy nơi mà những công nhân trẻ Trung Quốc làm công việc lắp ráp iPhone. Chuỗi cung ứng của Apple đã liên kết những nhóm lớn các kĩ sư phần mềm với hàng trăm nhà cung ứng linh kiện tại Bắc Mĩ, châu Âu và Đông Á – Gorilla Glass từ Kentucky, bộ đồng xử lí chuyển động từ Hà Lan, con chip máy ảnh từ Đài Loan, và các mô-đun truyền dữ liệu từ Costa Rica, hết thảy đều được tuồn vào những nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc.

Các xu hướng vừa sáng tạo vừa tiêu huỷ của chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy những thay đổi liên tục trong những mạng lưới sản xuất toàn cầu, và bên trong những mạng lưới này, quyền lực nằm ở những hình trạng mới của tập đoàn và nhà nước. Ngày xưa, cái chi phối là những chuỗi cung ứng do nhà sản xuất xúc tiến, điển hình là những ngành công nghiệp như xe hơi và thép. Những người như Lee Iacocca và huyền thoại Boeing Bill Allen sẽ là những người quyết định cần phải làm ra những gì, làm ra ở đâu và bán ra bao nhiêu.

Nhưng khi những xung đột kinh tế và chính trị của giai đoạn bùng nổ thời hậu chiến tăng cao vào thập niên 1960 và 1970, thì ngày càng nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu đã tiến hành các chiến lược định hướng theo xuất khẩu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển của mình. Một loại chuỗi cung ứng mới xuất hiện (đặc biệt trong những ngành công nghiệp nhẹ như quần áo, đồ chơi, và đồ điện tử) mà trong đó nhà bán lẻ, chứ không phải nhà sản xuất, mới là người nắm quyền kiểm soát. Trong những mô hình do người mua thúc đẩy như thế này, các công ti như Nike, Liz Claiborne và Walmart đã thiết kế hàng hóa, đặt giá thành cho nhà sản xuất (gia công), và sở hữu không gì nhiều ngoài những nhãn hiệu sinh lợi của mình.

Quyền lực và sự cai quản nằm ở nhiều điểm trong chuỗi sản xuất điện thoại thông minh, và sản xuất và thiết kế được tích hợp ở tầm sâu trên quy mô toàn cầu. Nhưng những hình trạng quyền lực mới này có xu hướng củng cố cho thứ bậc thịnh vượng hiện có: những nước thu nhập ít và trung bình sẽ cố gắng trong tuyệt vọng để bước vào những nút điểm nào sinh nhiều lợi hơn thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng và những hiệp định thương mại, nhưng những cơ hội nâng cấp của họ lại quá xa vời và ít ỏi, và những nỗ lực của công nhân nhằm cải thiện hoàn cảnh và lương bổng sẽ bị chính cái bản chất toàn cầu của sản xuất làm cho trở nên cực kì khó khăn.

Những công nhân mỏ coltan ở Congo ở cách ban điều hành của Nokia hơn cả một đại dương – họ bị chia cách bởi lịch sử và chính trị, bởi mối quan hệ của đất nước họ với giới tài chính, và bởi hàng rào sự phát triển kéo dài nhiều thập niên, mà nhiều yếu tố trong số đó có gốc rễ từ chủ nghĩa thực dân.

Chuỗi giá trị của lĩnh vực điện thoại thông minh là tấm bản đồ hữu dụng của sự bóc lột toàn cầu, khía cạnh chính trị của thương mại, sự phát triển không đồng đều, và của năng lực kho vận, nhưng cái ý nghĩa sâu xa hơn của thiết bị này lại nằm ở chỗ khác. Để khám phá những dịch chuyển tinh vi hơn vốn được minh hoạ và được tạo điều kiện bởi chiếc điện thoại thông minh này, chúng ta phải chuyển từ quy trình mà qua đó con người dùng máy móc để tạo ra điện thoại sang quy trình mà qua đó chúng ta dùng chính cái điện thoại đó như là một chiếc máy.

Việc xem xét điện thoại như chiếc máy, ở một số phương diện, là việc làm gần như rõ ràng theo trực quan. Thực vậy, từ tiếng Trung Quốc dành cho điện thoại di động là shouji (手机 – thủ cơ), tức “chiếc máy cầm tay”. Người ta thường dùng thủ cơ như cách họ vẫn thường dùng với bất cứ công cụ nào khác, đặc biệt tại nơi làm việc. Thiết bị này trở nên thiết yếu từ các nhu cầu mang tính chất tân tự do (neoliberal) đòi hỏi những công nhân linh hoạt, di động và có kết nối.

Điện thoại thông minh đã nới rộng nơi làm việc về mặt không gian lẫn thời gian. Email có thể được trả lời vào bữa ăn sáng, phần đặc tả kĩ thuật có thể được duyệt trên chuyến tàu điện về nhà, và cuộc họp ngày hôm sau có thể được xác nhận trước khi tắt đèn. Internet trở thành địa điểm làm việc, với văn phòng chỉ còn là một cái chấm trên tấm bản đồ mênh mông của những khu vực làm việc khả dĩ.

Ngày làm việc mở rộng thông qua điện thoại thông minh và việc này trở nên rộng khắp và có tác động tiêu cực đến mức các nhóm lao động đang phản kháng lại. Tại Pháp, các công đoàn và doanh nghiệp công nghệ đã kí một thoả thuận vào tháng Tư năm 2014 công nhận quyền ngắt kết nối của 250.000 công nhân kĩ thuật sau ngày làm việc, và Đức hiện đang suy xét bộ luật cấm email và cuộc gọi điện thoại sau giờ làm việc. Bộ trưởng Bộ lao động Đức Andrea Nahles đã kể cho một tờ báo Đức biết rằng đó là vấn đề “không bàn cãi khi có một mối liên hệ giữa việc luôn sẵn sàng làm việc với những chứng bệnh tâm lí.”

Điện thoại thông minh cũng có thể tạo điều kiện cho sự ra đời của những loại công việc mới và những cách thức mới trong việc tiếp cận thị trường lao động. Trong “khu vực thị trường dành cho những công việc lạ lùng”, những công ti như TaskRabbit và Postmates đã xây dựng những mô hình kinh doanh cho mình bằng cách tận dụng “lực lượng lao động được phân bổ” qua điện thoại thông minh.

TaskRabbit kết nối những người muốn tránh làm những chuyện nhàm chán thường ngày với những người tuyệt vọng đến mức làm những công việc lạ lùng trả theo giờ để có tiền. Những ai không muốn làm mấy việc vặt, như ủi quần áo hay lau dọn sau bữa tiệc sinh nhật đứa con của mình, sẽ liên kết với những “tasker” bằng ứng dụng di động của TaskRabbit.

Tasker là những người phải luôn theo dõi điện thoại của mình để tìm kiếm những việc làm tiềm năng (thời gian phản hồi là điều quyết định ai nhận được việc); người tiêu dùng có thể đặt việc hoặc huỷ việc một tasker trong lúc tasker này đang di chuyển; và khi làm xong việc một cách tốt đẹp, người hành nghề có thể được trả tiền trực tiếp qua điện thoại.

Postmates – sản phẩm của nền kinh tế công việc thời vụ – là kẻ mới xuất hiện trong thế giới kinh doanh, đặc biệt sau khi Spark Capital bơm 16 triệu dollar vào đó hồi đầu năm nay. Postmates theo dõi “người vận chuyển” (courier) của mình ở nhiều thành phố như Boston, San Francisco và New York bằng một ứng dụng di động trên iPhone của những người đó khi họ hộc tốc chuyển món taco làm thủ công và món latte vị vanilla không đường đến các hộ gia đình và các văn phòng. Khi có việc mới, ứng dụng sẽ vạch đường từ việc đó đến người vận chuyển gần nhất, người này phải hồi đáp ngay lập tức và hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng một giờ để được trả tiền.

Người vận chuyển, vốn không phải là nhân viên chính thức của Postmates, ít nhiệt thành hơn Spark. Họ nhận được 3,75 đô la cho mỗi chuyến giao hàng cộng với tiền bo, và vì họ được xếp loại là người hành nghề độc lập, nên họ không được bảo vệ theo luật lương tối thiểu.

Bằng cách này, những chiếc điện thoại dễ dàng phù hợp với thế giới công việc hiện đại này. Điện thoại thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình việc làm thời vụ và tự khai thác bản thân bằng cách liên kết người làm với giới tư bản mà không có chi phí cố định và không có khoản đầu tư cho mặt xúc cảm người làm như những mối liên hệ việc làm theo kiểu truyền thống.

Nhưng điện thoại thông minh còn hơn là một món đồ kĩ nghệ để làm công ăn lương – chúng còn trở thành một phần bản sắc của chúng ta. Khi ta dùng điện thoại nhắn tin cho bạn bè và người yêu, đăng bình luận lên Facebook, hay lướt qua những dòng tin Twitter, lúc ấy ta không làm việc – ta đang thư giãn, ta đang giải trí, ta đang tạo ra điều gì đó. Dù vậy, dần dần tích lại qua những hành động nhỏ bé này, kết cuộc ta sẽ sản sinh ra được một thứ gì đó cá biệt và đáng giá: bản ngã của chúng ta.

Bản ngã được rao bán

Erving Goffman, một nhà xã hội học nhiều ảnh hưởng của Mĩ, là người lưu tâm đến bản ngã và cách thức người ta sản sinh cũng như trình diễn bản ngã của mình thông qua mối tương tác xã hội. Theo như thừa nhận của chính ông, Goffman mang trong mình một chút chất Shakespeare – đối với ông ta “toàn bộ cõi sống này là một sân khấu”. Ông biện luận rằng những mối tương tác xã hội có thể được coi như những màn trình diễn, và màn trình diễn của người ta sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào khán giả của họ.

Chúng ta thực hiện màn trình diễn “trên sân khấu” cho những người nào mà ta muốn gây ấn tượng, đó có thể là người quen, đồng nghiệp, hoặc những người họ hàng ưa đánh giá. Màn trình diễn sân khấu mang lại vẻ ngoài cho thấy hành động của ta đang “duy trì và biểu hiện cho những chuẩn mực nhất định”. Những trình diễn này sẽ thuyết phục người xem rằng chúng ta thực sự là cái người mà ta bảo là thế: một con người có trách nhiệm, thông minh và có đạo đức.

Nhưng những màn trình diễn sân khấu có thể dễ lung lay và thường gây tổn hại thanh danh do phạm những sai lầm – vạ miệng, hiểu sai dấu hiệu của người khác, ăn vụng quên chùi mép, hoặc bị bắt quả tang đang nói dối. Goffman hứng thú với chuyện ta cố gắng nhiều đến thế nào để thành thạo và duy trì những màn trình diễn sân khấu của mình và chuyện ta thất bại thường xuyên đến mức nào khi trình diễn.

Điện thoại thông minh là vật trời ban để chất hí kịch len vào các phương diện của cuộc đời. Chúng cho phép ta quản lí được những ấn tượng mà ta tạo ra đối với người khác bằng độ chuẩn xác từng li từng tí. Thay vì nói chuyện với nhau, ta gửi tin nhắn, hoạch định các kiểu dí dỏm và các chiến lược né tránh. Chúng ta có thể trưng ra sở thích toàn bích của mình trên Pinterest, các kĩ năng nuôi dạy con ưu việt trên CafeMom, và phát triển những tài năng nghệ thuật trên Instagram, hết thảy đều theo thời gian thực.

Tạp chí New York gần đây cho chạy một bài viết về bốn dạng người được người ta thèm muốn nhất ở thành phố New York theo thông tin từ trang OKCupid. Những người này đã chăm chút cho hồ sơ kết bạn của mình lôi cuốn đến mức họ bị chú ý quá nhiều và nhận những lời yêu cầu sốt sắng tới dồn dập – điện thoại của họ kêu liên tục với những tin nhắn từ những tình nhân tiềm năng. Tom, một trong bốn người được chọn, thường xuyên tinh chỉnh hồ sơ của mình, thay vào nhiều ảnh mới, và trau chuốt từ ngữ mô tả bản thân mình. Anh ta còn sử dụng dịch vụ tối ưu hoá hồ sơ MyBestFace của OKCupid.

Tom bảo rằng toàn bộ nỗ lực thế này là cần thiết trong “nền văn hoá like” hiện tại của chúng ta. Tom xem hồ sơ OKCupid của mình là “phần mở rộng của bản thân”: “Tôi muốn nó trông thật ổn và sạch sẽ, cứ như là tôi bắt nó tập cơ bắp các thứ vậy.”

Phạm vi lan tỏa đến mức khó tin của truyền thông xã hội và việc tiếp nhận nhanh chóng của nhiều người cũng như việc trình diễn bản ngã của họ hết thảy đã làm xuất hiện những nghi thức tương tác mới vốn lấy công nghệ làm trung gian. Điện thoại thông minh giờ đây là trung tâm cho cách thức ta “tạo ra, duy trì, sửa chữa cũng như thách thức hay kháng cự lại các mối quan hệ”.

Thử nhìn vào các nghi thức nhắn tin, mà với tất cả các quy tắc phức tạp, bất thành văn, đã đóng một vai trò chủ đạo ở những động thái của người trẻ trong các mối quan hệ. Ta không cần phải chấp nhận nỗi hoài niệm buồn bã để thừa nhận rằng các nghi thức mới qua trung gian công nghệ đang dần thay thế hoặc đang biến đổi triệt để các cách thức xưa cũ.

Dùng kĩ thuật số để duy trì, tạo ra và tranh đoạt các mối quan hệ thông qua điện thoại thông minh thì phần nào khác với việc dùng điện thoại để hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến chuyện làm công ăn lượng. Người ta không được trả tiền cho bộ hồ sơ Tinder của họ hoặc cho việc tải lên Snapchat những bức ảnh của chuyến phiêu lưu cuối tuần của mình, nhưng cái bản ngã và nghi thức họ tạo ra chắc chắn sẽ được đem bán. Bất kể dụng ý ra sao, khi người ta dùng điện thoại thông minh kết nối với nhiều người và với cộng đồng ảo kĩ thuật số, thì đầu ra của những việc làm vì đam mê đó có thể sẽ được bán như một món hàng.

Những công ti như Facebook là người tiên phong trong việc đóng gói và bán những bản ngã kĩ thuật số này. Năm 2013, Facebook có 945 triệu người dùng truy cập trang của họ bằng điện thoại thông minh. Con số này chiếm 89% lợi nhuận của họ từ quảng cáo trong năm đó, một nửa số đó đến từ quảng cáo trên thiết bị di động. Toàn bộ kiến trúc của nó được thiết kế để dẫn dắt việc sản xuất bản ngã trên thiết bị động thông qua một nền tảng làm cho những bản ngã đó trở nên dễ bán.

Đó là lí do tại sao Facebook lập chính sách “dùng tên thật”: “giả vờ làm thứ gì đó hoặc làm ai đó khác là điều không được phép”. Facebook cần người dùng sử dụng tên theo pháp lí để họ dễ dàng khớp nối những bản ngã doanh nghiệp với những bản ngã kĩ thuật số, vì dữ liệu do một người thật tạo ra và kết nối thì dễ sinh lợi hơn.

Những người dùng của trang mạng hẹn hò OKCupid đã đồng ý với cùng một trao đổi: “dữ liệu đổi lấy một cuộc hẹn”. Những công ti bên thứ ba ngồi ở hậu trường của trang mạng đó, gom hết ảnh người dùng, cùng các quan điểm chính trị và tôn giáo của người dùng, và thậm chí cả những cuốn tiểu thuyết của David Foster Wallace mà người dùng thú nhận là rất yêu mến. Rồi dữ liệu đó được bán cho các nhà quảng cáo, những người tạo ra những mẩu quảng cáo hướng đối tượng và được cá nhân hóa.

Có một lượng lớn đáng kể những người truy cập được vào dữ liệu của OKCupid. OKCupid, cùng với những công ti khác như Match và Tinder, thuộc sở hữu của IAC/InterActiveCorp, mạng lưới trực tuyến lớn thứ sáu trên thế giới. Nhào nặn một bản ngã trên OKCupid có thể hoặc không thể sinh ra tình yêu, nhưng chắc chắn sinh ra được lợi nhuận cho tập đoàn.

Hiện càng lúc càng nhiều người ý thức biết được rằng bản ngã kĩ thuật số của ta là món hàng. Giáo sư Laurel Ptak của New School gần đây công bố một bản tuyên ngôn mang tên “Lương cho Facebook” (Wages for Facebook) và vào tháng Ba năm 2014, Paul Budnitz và Todd Berger tạo ra Ello, một dạng thay thế cho Facebook vốn chỉ nổi tiếng trong thoáng chốc.

Ello tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng mạng xã hội có thể là một công cụ tiếp sức mạnh. Chứ không phải một công cụ để lừa dối, ép buộc, và thao túng – mà là một nơi kết nối, sáng tạo, và ngợi ca cuộc sống. Bạn không phải là một món sản phẩm.” Ello hứa hẹn không bán dữ liệu của bạn cho bên quảng cáo thứ ba, ít nhất là vào lúc này. Họ bảo lưu quyền làm vậy (bán dữ liệu) trong tương lai.

Tuy nhiên, các thảo luận về việc rao bán các bản ngã kĩ thuật số bởi các công ti dữ liệu ở thị trường chợ xám (gray-market) và những tên tuổi khổng lồ ở Thung lũng Silicon lại thường tách biệt với những cuộc đàm luận về những hoàn cảnh làm việc bóc lột ngày càng tăng hoặc về thị trường đang dần nảy nở của những việc làm bấp bênh, hạ cấp. Nhưng đây không phải là những hiện tượng riêng biệt – chúng là những mảnh ghép có liên kết với nhau rất tinh vi của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

iCommodify (thương phẩm hoá trên mạng)

Tư bản cần phải tự sản sinh ra và tạo nhiều nguồn lợi mới qua thời gian và không gian. Nó phải liên tục tạo ra và củng cố sự tách biệt giữa người làm công ăn lương và chủ sở hữu tư bản, làm tăng giá trị mà nó rút ra từ người làm công, và thực dân hoá nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội nhằm tạo ra thương phẩm. Hệ thống này, và những mối quan hệ bao gồm nó, luôn chuyển động liên tục.

Sự bành trướng và sản sinh tư bản trong đời sống thường nhật và sự thực dân hoá những lĩnh vực mới trong đời sống xã hội do tư bản thực hiện là điều không phải lúc nào cũng hiển hiện. Việc nghĩ về điện thoại thông minh giúp chúng ta ghép các mảnh lại với nhau vì thiết bị này bản thân nó đã tạo điều kiện và củng cố những mô hình tích luỹ (tư bản) mới.

Sự tiến triển của công việc làm trong hơn ba thập niên qua được đặc trưng hoá bằng nhiều xu hướng – kéo dài ngày làm việc và tuần làm việc, hạ mức lương thực tế, giảm hoặc loại bỏ ra khỏi thị trường những mức bảo hộ ngoài lương (như mức trợ cấp cố định hoặc các quy định về y tế và an toàn lao động), nhân bội công việc bán thời gian, và sự suy giảm các công đoàn.

Đồng thời, các quy chuẩn liên quan đến sự tổ chức việc làm cũng đã chuyển đổi. Những mô hình tuyển dụng thời vụ, hướng đến dự án là những thứ đang được nhân bội lên. Người tuyển dụng không còn phải cung cấp mức đảm bảo việc làm hoặc giờ làm ổn định, và nhân viên không còn trông mong những việc như thế nữa.

Nhưng sự giáng cấp của công việc làm không phải là điều tất yếu. Bóc lột và khốn cùng hóa gia tăng là những khuynh hướng, chứ không phải là những hệ quả cố định vốn được định đoạt bởi các quy tắc tư bản chủ nghĩa. Chúng là kết quả từ những trận chiến mà ở đó người làm công đã thua và giới tư bản đã thắng.

Việc dùng điện thoại thông minh ở khắp nơi để kéo dài ngày làm việc và mở rộng thị trường cho những công việc hạ cấp là kết quả từ sự suy yếu ở giới làm công và ở những phong trào của tầng lớp lao động. Sự thôi thúc và tự nguyện của số người làm công ngày càng tăng trong việc gắn kết với giới tuyển dụng thông qua điện thoại chính là những điều đã bình thường hóa và biện minh cho việc dùng điện thoại thông minh làm công cụ bóc lột, và củng cố tính sẵn sàng thường trực của người lao động như là một yêu cầu để kiếm được đồng tiền.

Ngoại trừ vụ Đại Suy thoái, mức lợi nhuận của các công ti đã tăng đều đặn kể từ cuối thập niên 1980, và không chỉ là kết quả của việc tư bản (và nhà nước) làm giảm thắng lợi của phong trào lao động. Phạm vi của thị trường toàn cầu đã mở rộng và trở nên sâu sắc thêm, và sự phát triển của những món hàng mới đã tăng lên nhanh chóng.

Sự mở rộng và sản sinh tư bản tùy thuộc vào sự phát triển những món hàng mới này, mà trong đó nhiều món hàng xuất hiện từ sự thúc bách không ngừng của tư bản nhằm đưa những lĩnh vực mới trong đời sống xã hội vào phạm vi tìm kiếm lợi nhuận, hoặc như nhà kinh tế học chính trị Massimo De Angelis đã nói, để “đưa [những lĩnh vực] này vào hoạt động phục vụ cho những ưu tiên và mục đích [của tư bản]”.

Điện thoại thông minh nằm ở trung tâm trong quy trình này. Nó cung cấp một cơ chế vật lí cho phép việc truy cập liên tục vào những bản ngã kĩ thuật số của chúng ta và mở ra một mặt trận thương phẩm hóa mới mẻ.

Cá nhân không được trả lương cho việc tạo ra và duy trì bản ngã kĩ thuật số – họ được trả công bằng sự thoả mãn khi tham gia vào những nghi thức, và quyền kiểm soát được trao cho họ đối với những tương tác xã hội. Họ được trả công bằng cảm giác trôi nổi bồng bềnh trong thế giới kết nối ảo rộng mênh mông, cho dù điện thoại của họ làm trung gian kết nối các mối quan hệ xã hội, giúp người ta hình dung ra sự gần gũi nhau nhưng trên thực tế luôn giữ họ tách xa nhau trong vai trò những thực thể sinh lợi riêng biệt. Bản chất tự nguyện của những nghi thức mới này không làm họ thấy kém phần quan trọng, hoặc bớt sinh lợi hơn đối với tư bản.

Braverman cho biết “giới tư bản đã tìm thấy trong tính chất hết sức dễ nhào nặn của lao động con người một nguồn tài nguyên thiết yếu cho việc mở rộng tư bản”. Ba mươi năm đổi mới (công nghệ) vừa qua đã minh họa cho tuyên bố này, và điện thoại nổi lên như một trong những cơ chế chính yếu để kích hoạt, tiếp cận và dẫn hướng cho tính dễ nhào nặn này của lao động con người.

Điện thoại thông minh đảm bảo rằng chúng ta đang sinh ra ngày càng nhiều đời sống ở trạng thái thức tỉnh. Nó xoá đi ranh giới giữa lúc làm việc và lúc thư nhàn. Nhà tuyển dụng giờ đây có được quyền tiếp cận gần như vô tận đối với nhân viên của mình, và theo chiều hướng ngày càng tăng, việc duy trì công việc thậm chí lương thấp và bấp bênh sẽ dựa vào khả năng luôn có mặt và sẵn sàng cho công việc. Đồng thời, điện thoại thông minh mang đến cho người ta khả năng liên tục truy cập di động đối với những thứ tài nguyên kĩ thuật số chung và khả năng kết nối thông suốt, đổi lại họ phải bán đi bản ngã kĩ thuật số của mình.

Điện thoại thông minh xoá nhoà lằn ranh giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa xã hội và kinh tế, giữa tiền tư bản và tư bản, đảm bảo rằng cho dù ta dùng điện thoại cho công việc hay để giải trí, thì kết quả càng lúc càng như nhau – làm lợi cho giới tư bản.

Liệu sự có mặt của điện thoại thông minh có biểu thị cho thời khắc theo cách nói của Debor mà trong đó thương phẩm hoàn thành vai trò “thực dân hoá đời sống xã hội”? Liệu đó có là sự thật khi không chỉ mối quan hệ của ta với thương phẩm là điều dễ thấy, mà còn là chuyện “thương phẩm giờ đây là hết thảy những gì có thể thấy được?”

Điều này có vẻ như hơi chút quá lời. Việc tiếp cận được mạng xã hội và khả năng kết nối số thông qua điện thoại di động chắc chắn có những yếu tố mang ý nghĩa tự do. Điện thoại thông minh có thể giúp chống lại tình trạng tâm lý bất ổn do thiếu mục đích sống và nâng cao ý thức nhìn nhận về hoàn cảnh xung quanh, đồng thời làm cho người ta dễ dàng tạo ra và duy trì những mối quan hệ thực sự.

Một kết nối chung giữa những bản ngã kĩ thuật số còn có thể nuôi dưỡng sự kháng cự lại trật tự quyền lực mang tính thứ bậc hiện có vốn đang dùng những cơ chế nội tại nhằm cô lập và bịt miệng những tiếng nói cá nhân. Nếu không có điện thoại thông minh và truyền thông xã hội, thì không thể nào hình dung được là sẽ có những cuộc phản đối khởi phát từ vụ bạo loạn ở thanh phố Ferguson và từ sự tàn bạo của cảnh sát. Rốt cuộc, hầu hết mọi người vẫn chưa bị buộc phải sử dụng điện thoại thông minh cho công việc, và họ chắc chắn cũng không bị yêu cầu phải trình diễn bản ngã của mình thông qua công nghệ. Hầu hết người ta đều có thể ném điện thoại của họ xuống biển ngay ngày mai nếu họ muốn.

Nhưng họ không làm vậy. Người ta yêu thích chiếc điện thoại của mình. Việc giao tiếp chủ yếu qua điện thoại thông minh đang dần nhanh chóng trở thành quy chuẩn chấp nhận được, và ngày càng nhiều nghi thức đang dần được kết nối qua kĩ nghệ. Dần đóng vị trí trung tâm trong bản sắc con người là khả năng kết nối liên tục với các mạng lưới và thông tin mà chúng ta gọi là không gian mạng. Tại sao điều này đang xảy ra là một sự phỏng đoán khó khăn.

Nếu nói như chuyên gia về truyền thông và công nghệ Ken Hillis, thì đây liêu có phải chỉ đơn giản là một cách thức khác để “tránh cái Trống rỗng và sự vô nghĩa của cuộc sinh tồn?” Hoặc như tiểu thuyết gia và giáo sư Roxane Gay gần đây từng suy ngẫm, liệu khả năng của chúng ta trong việc kiểm soát hiện thân kĩ thuật số của mình có xoa dịu được cảm thức bất lực nằm sâu trong ta khi đối diện với bất công và lòng căm hờn?

Hoặc, như bậc thầy công nghệ Amber Case đã tự nhủ, liệu có phải tất cả chúng ta đang biến thành người bán cơ giới (cyborg)?

Có lẽ là không – nhưng điều đó còn tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa về người bán cơ giới. Nếu người bán cơ giới là người dùng một công cụ kĩ nghệ hay một chiếc máy để khôi phục các chức năng đã mất hoặc để cải thiện khả năng và kiến thức của mình, thì người ta đã là người bán cơ giới từ lâu rồi, và việc dùng điện thoại thông minh cũng không khác gì việc dùng cánh tay giả, việc lái xe hơi, hay làm việc trong một dây chuyền lắp ráp.

Nếu bạn định nghĩa một xã hội bán cơ giới là xã hội mà trong đó các mối quan hệ con người được trung gian và được định hình bởi kĩ nghệ, thì dường như xã hội chúng ta chắc chắn đáp ứng được tiêu chí này, và điện thoại đóng vai chính trong đó. Nhưng những mối quan hệ và những nghi thức của chúng ta từ lâu đã có kĩ nghệ làm trung gian. Sự trỗi dậy của những trung tâm thành thị – những trung tâm của kết nối và cách tân – hẳn sẽ không thể xảy ra nếu không có đường ray và xe hơi.

Máy móc, kĩ nghệ, mạng lưới và thông tin không thúc đẩy hay tổ chức xã hội – mà chính con người làm việc đó. Chúng ta tạo ra các thứ và dùng các thứ tùy theo mạng lưới hiện có của những mối quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị và theo sự cân bằng quyền lực.

Điện thoại thông minh, và cách thức nó định hình và phản ánh những tương quan xã hội hiện có, không mang tính chất siêu hình gì hơn mấy chiếc Ford Ranger từng lăn ra khỏi dây chuyền lắp ráp tại Edison, New Jersey. Điện thoại thông minh là một chiếc máy và là một thương phẩm. Quá trình sản xuất nó là tấm bản đồ của quyền lực toàn cầu, kho vận và bóc lột. Việc sử dụng nó định hình và phản ánh mối xung đột trường kì giữa những động lực của tư bản với sự kháng cự của những người còn lại trong chúng ta.

Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu của giới tư bản trong việc bóc lột và thương phẩm hóa đã được củng cố bằng nhiều cách thức mà điện thoại thông minh được sản xuất và tiêu dùng, nhưng thắng lợi của tư bản không bao giờ được bảo đảm và bất diệt. Những phần thắng đó phải luôn được làm mới và được bảo vệ ở mọi bước đi. Chúng ta có sức mạnh để chống lại và phủ nhận những phần thắng của tư bản, và chúng ta nên làm vậy. Có lẽ những chiếc điện thoại của chúng ta sẽ trở nên có ích trong những lúc như thế.

Trái đất đang có tốc độ quay nhanh nhất trong vòng 50 năm, một ngày không còn đủ 24 tiếng

 Vòng quay của Trái Đất đang có tốc độ quay nhanh hơn bình thường khiến cho độ dài một ngày trở nên ngắn hơn 24 giờ.

Trái Đất đang quay nhanh hơn so với tốc độ bình thường (Ảnh: Daily Mail)

Trái Đất đang quay nhanh hơn so với tốc độ bình thường (Ảnh: Daily Mail)

Đồng hồ nguyên tử dược các nhà khoa học sử dụng để ghi lại chính xác thời gian của một ngày ở mức độ chính xác từng mili giây. Kể từ khi được phát minh vào năm 1970, một ngày đã trở nên dài hơn 24 giờ một chút. Tuy nhiên theo dữ liệu mới đây nhất được các nhà khoa học công bố, thời gian một ngày đang trôi qua nhanh hơn và được cho là nhanh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Vòng quay của Trái Đất đang có tốc độ quay nhanh hơn bình thường khiến cho độ dài một ngày trở nên ngắn hơn 24 giờ. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang cùng nhau tranh luận để xem xem có nên "xóa bỏ" đi một giây để đưa thời gian trở về khớp với những chuyển động quay của Trái Đất. Theo thông kê đã có tới 27 giây được cộng thêm để giữ cho thời gian của đồng hồ nguyên từ khớp với chuyển động quay của Trái Đất kể từ năm 1970.

Trái đất đang có tốc độ quay nhanh nhất trong vòng 50 năm, một ngày không còn đủ 24 tiếng ảnh 1

Thời gian quay hết một vòng của Trái Đất không còn là 24 giờ (Ảnh: Daily Mail)

Lý do là bởi trong nhiều thập kỷ qua, Trái Đất quay chậm hơn tốc độ bình thường và mất nhiều hơn 24 giờ để hoàn thành 1 vòng quay. Chúng ta đều biết rằng thời gian một ngày sẽ phụ thuộc vào thời gian Trái Đất hoàn thành hết một vòng quay. Kể từ năm 1970, đồng hồ nguyên tử đã lữu giữ những con số siêu chính xác về độ dài của một ngày và nhận thấy rằng trong 50 năm qua Trái Đất đã mất nhiều hơn 24 tiếng để hoàn tất một vòng quay mặc dù con số này chỉ nhiều hơn rất ít.

Tuy nhiên vào giữa năm 2020, xu hướng này bị đảo ngược và Trái Đất đã quay nhanh hơn so với bình thường và nó chỉ mất ít hơn 24 tiếng để hoàn thành một vòng quay. Theo những số liệu ghi lại, vào ngày 19 tháng 7 năm 2020 một ngày đã ngắn hơn 1,4602 mili giây. Đây là thời gian hoàn thành một vòng quay ngắn nhất kể từ khi đồng hồ nguyên tử ghi lại những số liệu. Hiện tại, trung bình một ngày bình thường sẽ ngắn hơn khoảng 0,5 mili giây. Việc "thiếu hụt" thời gian trong một ngày chỉ được phát hiện thông qua đồng hồ nguyên tử và dường như nó không ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Trái đất đang có tốc độ quay nhanh nhất trong vòng 50 năm, một ngày không còn đủ 24 tiếng ảnh 2

Số liệu được ghi lại từ đồng hồ nguyên tử (Ảnh: Daily Mail)

Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày nhưng nó lại gây ra những tác động lớn đến các vệ tinh và các thiết bị liên lạc dựa vào thời gian thực của hệ Mặt Trời được xác định bởi vị trí của các ngôi sao, Mặt trăng và Mặt Trời. Nếu cứ để sự chênh lệch này diễn ra mà không có giải pháp thì các hệ thống vệ tinh và thiết bị liên lạc sẽ xảy ra sự cố. Chính vì vậy các nhà khoa học đang tranh cãi nhau xem có nên thêm giây để có sự cân bằng hay không.

Nhà khoa học tự nhiên Peter Whibberley, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc nhóm Thời gian và Tần số của Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: "Chắc chắn rằng Trái Đất đang quay nhanh hơn. Rất có thể cần cộng thêm một giây để Trái Đất quay trở về với đúng thời gian quay vốn có của nó".

Trở về với Tự nhiên – một Phản ứng của nền Văn minh

 Trong lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại, con người đã không ngừng tác động vào tự nhiên, cải biến giới tự nhiên để tạo ra đời sống xã hội, điều kiện tồn tại mới ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.

Trở về với tự nhiên – một phản ứng của nền văn minh

Lịch sử đã chứng minh những thành tựu hết sức kỳ diệu của loài người. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, sự tác động của con người lên tự nhiên cũng làm xuất hiện những mặt trái, gây ra hậu quả khôn lường, đôi khi còn ghê gớm hơn cả những gì mà con người vừa đạt được. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi xã hội phát triển đến một trình độ văn minh nhất định thì lại xuất hiện sự phản đối chính những thành tựu của nền văn minh đó. Xu hướng trở về tự nhiên đã xuất hiện ngay từ thời kỳ cổ đại và có những biểu hiện rất khác nhau trong những điều kiện lịch sử nhất định. Dưới đây, bài viết chỉ đề cập đến một số khuynh hướng điển hình ở phương Đông và phương Tây:

1. Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn minh rực rỡ và lâu đời nhất của nhân loại. Chế độ tông pháp chặt chẽ và hà khắc kéo dài suốt các thời kỳ cổ, trung đại với Nho giáo làm nền tảng đã trói buộc con người của đất nước này trong vô vàn mối quan hệ xã hội gò bó, như ngũ luân, tam cương… Con người sinh ra đã không còn thuộc về bản thân họ mà thuộc về gia đình, tông tộc, hoàng thượng…; do vậy, họ phải luôn phấn đấu hết mình để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”… Nho giáo đã tuyệt đối hóa các quan hệ xã hội, bỏ qua cái bản ngã, “cái tôi”, cái cá nhân của con người. Bản ngã tự nhiên – bản ngã thứ nhất của con người đã không được quan tâm, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên bị xem nhẹ. Đó là mặt thiếu hụt hay tính chất không toàn diện của Nho giáo.

Coi tất cả những chuẩn mực đạo đức và trật tự lễ giáo của nhà Chu mà Nho giáo tôn sùng chẳng qua chỉ là công cụ thống trị con người, làm méo mó, xuyên tạc cái bản ngã tự nhiên của con người, Đạo giáo đã phủ nhận những giá trị ấy và coi đó là nguồn gốc của xung đột. Lão Tử cho rằng, trong xã hội không chuộng người giỏi khiến dân không giành giật, không chuộng của quý khiến dân không trộm cướp… Với quan niệm đó, ông chủ trương xóa bỏ mọi ràng buộc, quy phạm xã hội để trả lại cho con người bản tính tự nhiên vốn có, đưa xã hội trở lại thời kỳ mông muội ban đầu khi con người mới sinh ra; bởi, nguồn gốc, cội rễ sâu xa của con người là tự nhiên, là “Đạo”. Đạo huyền vi, sâu kín, thuần phác, tự nhiên. Đạo là bản thể, là nguồn gốc, là quy luật phố biến chi phối sự vận động, biến hóa của con người và vạn vật. “Vô vi nhi vô bất vi” – Đạo thường không làm gì mà không gì không làm. Thuận theo Đạo trời là sống một cách tự nhiên, thuần phác, không giành giật bon chen, vị kỷ, tư lợi, không làm gì trái với bản tính tự nhiên của Đạo.

Phát triển tư tưởng đó của Lão Tử theo tinh thần tuyệt đối hóa bản tính tự nhiên của con người và tách nó ra khỏi mọi quan hệ xã hội, Trang Tử chủ trương sống tự nhiên, thuần phác, gần gũi với thiên nhiên, sống tự do tự tại, không màng danh lợi, chống lại mọi ràng buộc của trật tự, lễ giáo hà khắc. Theo ông, cuộc đời chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi. Qua giấc mơ hóa bướm, ông ca ngợi vẻ đẹp của những sinh linh bé nhỏ, đẹp đẽ và tự do, nhởn nhơ bay lượn; đồng thời, bộc lộ khát vọng con người được hòa nhập vào tự nhiên. Trong thiên “Tề vật luận”, Trang Tử cho rằng, vật và ta đều bình đẳng, “trời đất cùng sinh với ta, vạn vật và ta là một”.

Như vậy, có thể nói, Đạo giáo đã thể hiện một tư tưởng chính trị – xã hội và triết lý nhân sinh độc đáo, đối lập với những đường lối tư tưởng đương thời, chống lại mọi trật tự, giáo lý ràng buộc khiến con người đánh mất cái bản ngã tự nhiên của chính mình. Coi trọng sự hòa hợp, thống nhất trong quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa mọi sinh vật trong vũ trụ, Đạo giáo đã đề cao thái độ tôn trọng tự nhiên, mô phỏng trật tự của tự nhiên. Ngày nay, quan niệm đó vẫn còn có ý nghĩa to lớn, khi mà xã hội văn minh đang đứng trước nguy cơ của những vấn đề môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, quan niệm của Đạo gia mong muốn con người trở về hòa nhập hoàn toàn vào tự nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên còn mang nặng tính cảm tính; nó chỉ phù hợp với một xã hội còn ở trình độ phát triển thấp kém, nhất là về mặt kinh tế. Nếu như con người cứ mãi mãi “ăn lông, ở lỗ”, hái lượm, bắt cá để sống thì liệu họ có còn là con người theo đúng nghĩa của từ này nữa không? Quan niệm này dẫn đến thái độ thụ động của con người trong quan hệ với tự nhiên, nó triệt tiêu năng lực sáng tạo và những sức mạnh to lớn của con người trong việc cải tạo tự nhiên – điều mà theo Ph.Ăngghen, là cái chủ yếu để phân biệt con người với loài vật.

2. Vào nửa cuối thế kỷ XX, ở phương Tây phong trào trở về với tự nhiên đã diễn ra khá rầm rộ. Văn minh phương Tây lấy con người làm trung tâm. Con người được tôn vinh với sức mạnh khổng lồ, cả về thể lực lẫn trí lực, với khả năng và khát vọng khám phá, chinh phục tự nhiên, làm chủ và thống trị tự nhiên. Tinh thần duy lý đề cao sức mạnh của khoa học, của trí tuệ con người; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người trong quan hệ với tự nhiên đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sản xuất vật chất. Tinh thần ấy đã góp phần tạo nên diện mạo của nền văn minh phương Tây với những thành tựu rực rỡ.

Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ khi máy hơi nước ra đời năm 1764 cùng với sự xuất hiện của tầu hỏa, ô tô, máy ủi… thể hiện sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Của cải tăng lên nhanh chóng, tốc độ và quy mô khai thác tự nhiên ngày càng gia tăng, bộ mặt thế giới thay đổi từng ngày. “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(1). Song, sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp với mục tiêu duy nhất là phát triển kinh tế đã để lại những hậu quả nặng nề. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi mà những vấn đề môi trường chưa đặt ra bức xúc như hiện nay, C.Mác và Ph.Ănghen đã sớm nhận ra hậu quả này và cảnh báo: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”(2). Đáng tiếc là những tư tưởng rất có giá trị của các ông về vấn đề này chưa được các thế hệ sau quan tâm đầy đủ. Ngày nay, con người đã phải trả giá đắt cho những gì mà họ đạt được. Những thành tựu của nền văn minh công nghiệp hóa ra lại trở thành những thứ vũ khí có sức mạnh hủy diệt thiên nhiên, tàn phá môi trường – cội nguồn sản sinh ra con người và xã hội loài người.

Việc tiêu thụ quá lãng phí các nguồn tài nguyên ít hoặc không có khả năng tái tạo, nạn phá rừng bừa bãi, cộng với một khối lượng khổng lồ các chất thải công nghiệp và giao thông, các chất thải hạt nhân cùng chất độc hóa học… đã dẫn tới nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng lỗ thủng tầng ôzôn, hiệu ứng nhà kính, thay đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng ghê gớm và tàn khốc.

Phong trào trở về tự nhiên nổi lên rầm rộ ở nhiều nước phương Tây vào những năm 60 của thế kỷ XX và trở thành lối sống của một bộ phận dân cư. Một số thanh niên tụ tập thành các nhóm và kéo nhau trở về thôn quê hoặc những nơi hoang dã để sống như trong thời kỳ nguyên thủy. Phong trào bảo vệ môi trường cũng lan rộng vào những năm 60, 70 như là cuộc cách mạng về môi trường lần thứ nhất và bùng phát lần thứ hai vào những năm 80 của thế kỷ XX, mạnh mẽ hơn, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngày 22 tháng 04 năm 1970, hơn 20 triệu người Mỹ đã tổ chức mít tinh, diễn thuyết, tuyên truyền về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Các tổ chức “Hòa bình xanh” đã có những hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường. Họ nỗ lực không mệt mỏi, thậm chí bất chấp cả sinh mạng để chống lại việc săn cá voi ở Nhật Bản, buộc các công ty ở châu Âu phải hủy bỏ kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen… Những hoạt động tích cực của họ đã bước đầu làm thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường ở nhiều nước trên thế giới. Những hành động đó, theo A.Toffler, là sự phản ứng từ bản năng sinh tồn của con người chống lại nguy cơ đe dọa địa cầu.

Sự phát triển của xã hội không thể tách rời môi trường tự nhiên. Khẩu hiệu “Hãy sống thân thiện với tự nhiên” một lần nữa vang lên như một mệnh lệnh của nền văn minh. Mệnh lệnh đó gần như đã được nhân dân toàn thế giới ủng hộ, thể hiện trước tiên qua các Hội nghị thượng đỉnh về “Môi trường và Phát triển” do Liên hợp quốc tổ chức vào các năm 1972 ở Stốckhôm (Thuỵ Điển), 1992 ở Rio de Janneiro (Brazin), năm 2002 ở Johannesburg (Nam Phi). Từ các Hội nghị quốc tế này, chiến lược phát triển bền vững đã được thông qua và bắt đầu triển khai ở nhiều nước. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược phát triển mới – chiến lược phát triển bền vững, điều quan trọng đầu tiên mà con người phải làm là thay đổi thái độ và cách ứng xử của mình đối với tự nhiên, chuyển từ hành động mang tính bóc lột, tước đoạt tự nhiên sang thiết lập quan hệ thân thiện và đồng tiến hoá với tự nhiên; nghĩa là, cần phải xây dựng đạo đức sinh thái mới, phù hợp với sự phát triển của thế giới ngày nay.

3. Những quy phạm đạo đức, pháp luật truyền thống… nhằm điều chỉnh quan hệ giữa con người với tự nhiên trước đây không đủ để duy trì và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại. Nó đòi hỏi phải xây dựng một nền đạo đức mới – đạo đức sinh thái.

Ở phương Tây hiện đại, đạo đức sinh thái do Leopol – một nhà khoa học Mỹ đặt nền móng, phát triển mạnh vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là một nỗ lực về mặt lý luận nhằm xây dựng những quy tắc, chuẩn mực hướng dẫn con người thiết lập mối quan hệ tương giao mới với tự nhiên; trong đó, không cho phép con người khai thác tự nhiên chỉ vì lợi ích của bản thân mình. Đạo đức sinh thái hiện đại lên án thái độ chính phục theo kiểu “bất chấp” quy luật của con người đối với tự nhiên. Họ phê phán mạnh mẽ các quan niệm duy ý chí truyền thống, tuyệt đối hoá con người của phương Tây trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đó là các quan niệm: thứ nhất, của chủ nghĩa nhân bản Hy – La cổ đại coi “con người là thước đo của vạn vật”…; thứ hai, của chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVII – XVIII coi con người là chủ nhân và chúa tể của giới tự nhiên; thứ ba, của Thiên Chúa giáo coi con người mang bản chất thần thánh của Chúa thiêng liêng và có quyền thống trị giới tự nhiên. Với những quan niệm này, con người rơi vào chủ nghĩa duy lý, duy nhân loại cực đoan và phản sinh thái; tự cho mình là sinh thể trung tâm, thượng đẳng hay đó là chủ nghĩa vị kỷ chủng loại – nguyên nhân sâu xa của vấn đề môi trường đang đè nặng lên nhân loại hôm nay.

Các nhà đạo đức sinh thái chủ trương xây dựng những quy phạm tự thân, tự giác điều chỉnh thái độ của con người hướng tới tôn trọng tự nhiên; xây dựng mối quan hệ hài hòa với tự nhiên, môi trường trên một tiền đề căn bản là quyền sống, quyền tồn tại của tự nhiên. Theo đó, mỗi người đều phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ mọi sinh mệnh trong tự nhiên. Luân lý đạo đức mới này được gọi là đạo đức sinh thái “tôn trọng sinh mệnh”. Taylor – nhà đạo đức sinh thái người Mỹ đã đưa ra những luận điểm có tính nguyên tắc, mà ông gọi là quan điểm duy sinh vật, cho luân lý đạo đức của mìnhNhững luận điểm đó là:

* Hệ môi sinh là một mạng lưới bao gồm những thành phần liên kết chặt chẽ với nhau.
* Mọi sinh vật, mọi cộng đồng đều có lợi ích riêng và phải được tôn trọng như nhau.
* Mỗi sinh vật là một trung tâm sống có mục đích riêng, có giá trị nội tại là quyền sống, quyền tồn tại. Giá trị đó phải được xem là một ý niệm triết lý – đạo đức để con người thấy được bổn phận với thiên nhiên.
* Loài người là một thành viên bình đẳng của cộng đồng sinh vật. Cần phủ nhận ưu thế tuyệt đối của loài người theo quan điểm truyền thống để tạo nên một quan điểm mới về bình đẳng loài và bổn phận tôn trọng các loài của con người.

Quan điểm của Taylor có những mặt tích cực và được ủng hộ mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn bị phê phán. Những người phê phán cho rằng, quan điểm này đã đưa phạm trù đạo đức, phạm trù của xã hội loài người vào thế giới sinh vật và do vậy, không thể thực hiện được. Hơn nữa, quy luật đấu tranh sinh tồn làm cho quan điểm này khó đứng vững.

Năm 1933, A. Leopol đã phát triển, mở rộng quan điểm duy sinh vật ra toàn bộ cộng đồng sinh vật và cả những điều kiện tồn tại của chúng. Ông đã trình bày một cách có hệ thống về giá trị quan sinh thái “tôn trọng sinh mệnh”. Yêu cầu đặt ra là loài người phải lấy sự hoàn chỉnh, ổn định và vẻ đẹp của hệ thống sinh thái làm nguyên tắc luân lý và tiêu chuẩn của thiện, ác. Ông cũng đã nói tới quyền sống, quyền tồn tại của mọi sinh vật. Toàn bộ những điều kiện môi trường, như đất, nước, không khí, động vật, cỏ cây, con người đều là những nhân tố hợp thành của thiên nhiên, có giá trị sinh thái nhất định và cần phải được tôn trọng. Đây là những luận điểm cơ bản của khuynh hướng duy môi sinh hay duy sinh thái.

Sinh thái học bề sâu do Naess sáng lập với ý đồ tìm kiếm sự hòa đồng giữa con người với tự nhiên bằng trực giác. Trực giác cho phép con người nhận biết bản thể của các sinh vật trong vũ trụ. Về thực chất, không có chủ thể, không có khách thể tồn tại độc lập, không có sự tách biệt giữa người và vật, mọi thực thể đều được cấu tạo bằng quan hệ với nhau. Con người là một hữu thể mà bản chất của nó chỉ được xác định qua quan hệ với các hữu thể khác, là một mắt lưới trong mạng lưới các hữu thể rộng lớn. Thế giới quan cũ đã sai lầm khi gán cho con người một ưu thế tuyệt đối. Sinh thái học bề sâu chủ trương một chủ nghĩa bình đẳng môi sinh và cho rằng, nếu con người không biết đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa vạn vật mà cố xác lập một quan hệ chủ tớ với thiên nhiên thì sẽ tự tách biệt đối với chính mình. Sinh thái học bề sâu gặp gỡ tư tưởng truyền thống phương Đông cổ đại ở chỗ: sự tự thực hiện bản ngã hay là thanh hóa bản ngã, đó là sự đồng hóa của tiểu ngã với đại ngã, giữa cá thể với vũ trụ, làm cho bản ngã của mình lan rộng và hòa nhập với đại ngã của toàn vũ trụ. Trong quá trình thanh hóa bản ngã, con người hòa nhập với môi trường, yêu mến, tôn trọng thiên nhiên như chính cha, mẹ, anh, chị em ruột thịt, như chính bản thân mình, đó là nghệ thuật sống của nhà hiền triết.

Nhìn chung, các quan điểm đạo đức sinh thái đều phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy lý truyền thống, khi nó phát triển theo hướng đề cao một cách thái quá trí tuệ, khoa học, kỹ thuật dẫn tới sự thiếu hụt trong đời sống tâm hồn, tình cảm, đạo đức đặc biệt là trong quan hệ giữa con người và tự nhiên. Theo họ, sự thiếu hụt này cần được bù đắp và có thể tìm thấy sự cân bằng trong một số học thuyết phương Đông cổ đại. Có thể khẳng định rằng, luân lý đạo đức sinh thái hiện đại là một sự cảnh tỉnh đối với loài người trước nguy cơ hiện thực về khủng hoảng sinh thái – mặt trái của nền văn minh. Những quan điểm này có một số yếu tố hợp lý (như luận điểm về sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ môi sinh…) và phần nào cũng phù hợp với quan điểm mácxít và quan điểm truyền thống phương Đông. Tuy nhiên, đây là một khuynh hướng cực đoan và không tưởng khi mà nó phủ nhận hoàn toàn vai trò của trí tuệ, của sự sáng tạo con người cũng như những thành quả của văn minh nhân loại. Nó có nguy cơ dẫn tới thái độ duy sinh thái thuần tuý và một lần nữa muốn hoà tan con người vào tự nhiên. Điều đó là không cần thiết.

*

Con người cứ mải miết chinh phục tự nhiên, mải miết làm giàu mà không biết rằng họ giàu lên bao nhiêu thì cũng đồng thời nghèo đi bấy nhiêu. Nền văn minh công nghiệp đem lại gì cho con người, nếu đằng trước họ là những “khu rừng già bằng bê tông” và đằng sau là những hoang mạc? Người ta đổ xô ra thành thị để sống trong những tòa nhà chọc trời nhưng lại thiếu không khí để thở, thiếu ánh mặt trời và không gian tự nhiên… Nhân loại đang khao khát được sống gần gũi với thiên nhiên. Trở về với thiên nhiên trở thành một trào lưu thời thượng. Đây thực sự là lối sống ngược lại với nền văn minh công nghiệp hiện đại.

Mong muốn trở về với tự nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh. Điều này hoàn toàn không mới mẻ và cũng không nằm ngoài bản chất người vốn có. Bởi lẽ, con người ra đời từ tự nhiên, là bộ phận không thể tách rời của tự nhiên, còn tự nhiên là “thân thể vô cơ” của con người. K. Marx đã khẳng định: “… đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(3). Vậy, trở về với tự nhiên phải chăng là quay lưng lại với nền văn minh rực rỡ, huy hoàng hàng ngàn năm của nhân loại? Đó là quan niệm hết sức cực đoan và phiến diện. Xã hội hoàn toàn không tách rời tự nhiên mà trái lại, xã hội là sự tiếp nối của tự nhiên, là trình độ phát triển cao hơn của giới tự nhiên. Sự phát triển của xã hội loài người là khách quan và tất yếu. Nhưng con người cũng trở nên phiến diện hơn nhiều nếu cứ tiếp tục giữ và hành động theo quan điểm duy kinh tế, lấy tiêu chuẩn phát triển kinh tế nhanh là mục tiêu duy nhất. Cần phải thay thế quan điểm cũ kỹ đó bằng một quan điểm phát triển toàn diện hơn, bao gồm ba mục tiêu cơ bản: 1/ Mục tiêu kinh tế: phát triển nhanh và an toàn; 2/ Mục tiêu xã hội: đảm bảo công bằng xã hội, lấy chỉ số phát triển con người làm thước đo cao nhất; 3/ Mục tiêu sinh thái: khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Đây chính là quan điểm phát triển bền vững đã được nêu trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) năm 1987. Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng những nhu cầu của họ.

Quan điểm phát triển bền vững không đối lập với quan điểm duy nhân loại đề cao năng lực sáng tạo, cải tạo tự nhiên của con người; trái lại, càng khẳng định vai trò chủ thể của con người trong hoạt động thực tiễn nhằm cải tạo tự nhiên một cách tích cực, mang tính tự giác ở trình độ cao hơn.

Quan điểm phát triển bền vững cũng không đối lập với quan điểm trở về tự nhiên. Phát triển bền vững đưa con người trở về với thiên nhiên, nhưng không phải là cái thiên nhiên “mông muội tối tăm”, nguyên thủy, mà là một thiên nhiên được cải tạo, được làm giàu và phát triển trên một trình độ mới – thiên nhiên mang tính người, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của con người, không đối lập với thiên nhiên hoang dã và chỉ có thể có được bằng sự tác động, cải tạo hợp quy luật của con người. Như vậy, quan điểm phát triển bền vững luôn có một cơ sở vững chắc, mà như K. Marx đã chỉ ra là, con người có thể nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và sử dụng chúng một cách có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn của mình.

Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ hai chiều, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Tự nhiên tác động tới mọi mặt hoạt động của con người và xã hội, song sự tác động ấy hoàn toàn tự phát. Còn mọi sự tác động của con người tới tự nhiên đều “tất nhiên phải thông qua đầu óc của họ”. Thế nhưng, con người đã quá say sưa với những khiếm khuyết của mình trong nhận thức, trong hành vi ứng xử với tự nhiên và chỉ đến khi phải trả giá đắt cho những sai lầm của mình, loài người mới bừng tỉnh trước uy lực của tự nhiên và hiểu rằng, chỉ có tôn trọng tự nhiên thì mới làm chủ được tự nhiên. Phải chăng, đây chính là nguyên tắc căn bản để xây dựng một nền đạo đức sinh thái mới làm kim chỉ nam cho hành động của loài người.

————————————

Chú thích:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.603.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.654.
(3) C.Mác và PhĂng ghen. Sđd., t.42, tr.135.

 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT