BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Tại sao mọi người tin vào Thuyết âm mưu?

 


Có vẻ như mỗi gia đình đều có một ông chú – liên tục kể chuyện về các thuyết về âm mưu trong bữa ăn tối ngày lễ.

“Cả nhà biết không? Thật ra vụ tấn công 11/9 là do chính phủ điều động”
“Còn nữa, mấy video lên Mặt trăng đều được quay ở Hollywood thôi”
“Oswald đã không hành động một mình trong vụ ám sát Kennedy”
“Này cháu, đừng nói về nóng lên toàn cầu nữa. Giáng sinh này vẫn rét như hồi chú 5 tuổi. Cháu mong chú tin cả thế giới đang ấm lên hả??”

Chúng ta nên để ông chú sang bên và thử tìm hiểu xem mấy thuyết âm mưu của chú đến từ đâu. Tại sao một số người lại dễ tin vào thuyết âm mưu? Đây chính là câu hỏi đặt ra bởi nhà tâm lý học người Anh Karen Douglas và các đồng nghiệp của cô trong một bài báo gần đây trên tạp chí Current Directions in Psychological Science.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng lý do để tin vào thuyết âm mưu có thể được chia thành ba loại:
• Mong muốn hiểu biết và cảm giác chắc chắn
• Mong muốn kiểm soát và cảm giác an toàn
• Mong muốn duy trì hình ảnh bản thân tích cực

Chúng ta hãy nhìn lại từng động cơ.

Mong muốn hiểu biết và cảm giác chắc chắn.

Tìm kiếm giải thích cho các sự kiện là ham muốn tự nhiên của con người. Chúng ta luôn thắc mắc vì sao một sự việc lại xảy ra như thế? Tại sao trời phải mưa vào đúng ngày tôi muốn ra ngoài? Tại sao cô ấy lại hờ hững với tôi ? Tại sao bạn không hiểu những gì tôi đang cố gắng nói với bạn?

Và không chỉ đặt câu hỏi, chúng ta cũng nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Không nhất thiết là câu trả lời đúng, mà thông thường nó sẽ giúp ta an tâm hoặc thấy phù hợp với quan điểm của mình. Trời đổ mưa vì tôi luôn là một kẻ không may. Cô ấy lạnh lùng với tôi vì cô ấy không thể chịu nổi khi mọi việc không theo cách mà cô muốn. Bạn không hiểu những gì tôi nói vì bạn không lắng nghe.

Trong mỗi chúng ta đều có những niềm tin sai, nghĩa là có những điều ta tin là đúng nhưng trên thực tế thì không. Ví dụ, nếu bạn tin rằng Sydney là thủ đô của Úc, bạn là nạn nhân của một niềm tin sai. Nhưng một khi thực tế cho bạn thấy Canberra là thủ đô của Úc, bạn sẽ dễ dàng thay đổi ý kiến của mình. Rốt cuộc, bạn chỉ đơn giản là hiểu lầm và bạn cũng không có nhiều cảm xúc với nó lắm .

Lý thuyết âm mưu cũng là niềm tin sai, theo định nghĩa. Nhưng những người tin vào nó đặc biệt chú trọng việc duy trì niềm tin này. Thứ nhất, họ nỗ lực tìm hiểu về thuyết âm mưu tiềm ẩn sau sự kiện, bằng cách đọc sách, tìm kiếm trên các website hoặc xem các chương trình cổ súy cho niềm tin đó. Cảm giác không chắc chắn là một trạng thái rất khó chịu. Các thuyết âm mưu tạo nên ảo tưởng “hiểu biết và chắc chắn” để xoa dịu trạng thái này.

Mong muốn kiểm soát và cảm giác an toàn.

Mọi người cần cảm giác họ đang kiểm soát cuộc sống của họ. Ví dụ, nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi họ tự lái xe chứ không phải là hành khách. Tất nhiên, ngay cả những người lái xe giỏi nhất cũng có thể bị tai nạn vì những lý do vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ. Tương tự như vậy, các lý thuyết âm mưu có thể cung cấp cho các tín đồ của họ cảm giác kiểm soát và an toàn. Điều này đặc biệt đúng khi một phần cuộc sống bị đe dọa. Ví dụ, nếu nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên thảm khốc do hoạt động của con người, thì tôi sẽ phải thay đổi lối sống thoải mái của tôi. Thật là đau đớn. Nhưng nếu các chuyên gia và chính trị gia đảm bảo với tôi rằng sự nóng lên toàn cầu chỉ là một trò lừa bịp, thì tôi có thể duy trì được cách sống hiện tại của mình. Kiểu lý luận dựa trên động cơ này là một thành phần quan trọng để duy trì niềm tin về thuyết âm mưu.

Mong muốn duy trì một hình ảnh tích cực.

Nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy bị “đứng bên lề” xã hội có xu hướng tin hơn vào các thuyết âm mưu. Tất cả chúng ta đều muốn duy trì hình ảnh tích cực về bản thân, thường xuất phát từ những vai trò của chúng ta trong cuộc sống – công việc, các mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Khi tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của những người khác – như cha mẹ, người yêu/bạn đời, bạn bè, giáo viên hay người hướng dẫn- chúng ta thấy cuộc sống của mình đáng giá, và thấy bản thân tốt hơn. Nếu công việc của bạn nhàm chám và ít tiếp xúc xã hội, hay bạn liên tục gặp những con người ưa tin đồn, bạn có xu hướng tin hơn vào những thuyết âm mưu. Bạn dành nhiều thời gian hơn trên internet để củng cố niềm tin của mình, trò chuyện với những người có chung niềm tin ấy. Thuyết âm mưu cho bạn cảm giác sở hữu một kiến thức đặc biệt. Hầu hết mọi người tin vào sự nóng lên toàn cầu và sự an toàn của vac-xin sẽ không chạy theo thuyết âm mưu vì họ hiểu khoa học. Họ tin tưởng các chuyên gia. Bạn bắt đầu đưa ra các bằng chứng chống lại sự nóng lên toàn cầu, dù rất khó để đưa ra một lý lẽ hoàn toàn hợp lý. Từ cách mà bạn nói, có vẻ bạn am hiểu về chủ đề đó, bạn có một mớ giả thuyết quá phức tạp khiến người nghe bắt đầu thấy phân vân về điều họ tin tưởng.

Tựu trung lại, chúng ta hiểu về những gì thúc đẩy con người tin vào các thuyết âm mưu. Họ làm như vậy vì ba nhu cầu cơ bản: Tìm hiểu thế giới xung quanh; tạo cảm giác an toàn và kiểm soát; duy trì hình ảnh tích cực về bản thân. Nhưng niềm tin vào thuyết âm mưu có thực sự giúp mọi người thỏa mãn được những nhu cầu này?

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi sinh viên đại học tiếp xúc với các thuyết âm mưu, cảm giác mất an toàn của họ ngày càng tăng. Điều này cho thấy thuyết âm mưu không hẳn giúp chúng ta cảm thấy an toàn. Con người hay đa nghi và thiên hướng tiêu cực như một bản năng tự vệ để duy tri sinh tồn. Douglas và các đồng nghiệp cũng chỉ ra rằng, hầu hết sinh viên không tin ngay vào các loại thuyết âm mưu. Nếu cần thiết, họ sẽ lập luận, kiểm tra lại chính những nguồn tin đó.

Bất kể bạn tiếp xúc với dạng thông tin như thế nào, hãy luôn giữ đầu óc tỉnh táo trước những biện luận vu vơ, những nguồn tin không xác thực. Bạn có thể phản đối thuyết âm mưu kiểu này. Nhưng hầu hết những cuộc tranh luận như vậy không đi đến đâu. Người lan truyền tin không quan tâm lắm đến việc tranh cãi với bạn. Họ đang duy trì cảm giác an toàn và tự hào về bản thân mà thôi.

 

Bản quyền nguyên tác: Ph.D David Ludden

 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT