BREAKING NEWS

Phát triển Tâm thức

MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT

Chuyển hóa Địa cầu

Một cái nhìn về lòng khoan dung độ lượng của con người

Trải qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học dựa trên quan điểm của mình cho rằng lòng khoan dung độ lượng của con người có thể được ví như một chính sách bảo hiểm mà con người tự tạo ra cho bản thân họ.
Trong cuộc sống, không có ai có thể lường trước được điều gì, ngày hôm nay, bạn có thể có tất cả nhưng sáng hôm sau thì vẫn có thể trắng tay như thường. Vì vậy, ra tay giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn sẽ tạo điều kiện để họ vượt qua thách thức và phát triển; rồi một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ. Sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau là chìa khóa quan trọng để xây dựng tính đoàn kết cũng như đảm bảo sự tồn vong của một tập thể trước sóng gió.
Tại đồng bằng Serengeti ở miền Đông châu Phi, cuộc sống của những người bán du mục không hề dễ dàng. Bất cứ lúc nào, bệnh dịch đều có thể quét qua và giết chết đàn vật nuôi, nguồn sống gần như duy nhất ở đây. Hạn hán có thể sẽ khiến cho cỏ cháy khô, hoặc những kẻ cướp có thể đánh cắp vật nuôi của bạn khi chúng muốn. Cho dù bạn có cẩn thận như thế nào, chăm chỉ như thế nào, số phận nghèo khổ của bạn dường như đã được an bài. Vậy những người chăn gia súc khốn khổ này sẽ phải làm gì để duy trì sự sống của họ?
Câu trả lời rất đơn giản: cầu cứu sự giúp đỡ. Ở Maasai, có một truyền thống gọi là “osotua”, theo nghĩa đen là ‘dây rốn’, hàm ý rằng bất cứ ai có nhu cầu, họ đều có thể yêu cầu sự trợ giúp từ bạn bè của họ. Bất kỳ ai được yêu cầu đều có nghĩa vụ phải giúp đỡ, thường bằng cách cho vật nuôi, miễn là việc đó không đe dọa sự tồn tại của họ. Không một người nào đòi hỏi bất cứ lợi quả gì sau khi thực hiện điều này, và không ai để ý đến chuyện một người nào đó xin hoặc cho bao nhiêu lần.
“Osotua” đi ngược lại so với cách chúng ta thường xem là hợp tác, nghĩa là theo kiểu ‘có qua có lại’. Tuy nhiên, các dạng hào phóng, rộng lượng như vậy vốn là điều phổ biến ở các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Một số nhà nhân chủng học (nhân học) cho rằng truyền thống đó có thể đại diện cho một trong những dạng rộng lượng sớm nhất từng tồn tại trong xã hội loài người. Vấn đề không chỉ dừng lại ở mong muốn được hiểu biết của chúng ta về sự vị tha, rộng lượng. Nếu xét trong điều kiện sinh học và tiến hóa, thật vô lý khi bạn cho đi mà chẳng nhận lại thứ gì.
Lòng vị tha là thứ hiếm hoi ở động vật, nhưng con người dường như không thể giải thích được tại sao mình lại có lòng vị tha. Có phải chăng là “nhân chi sơ”, tính bổn vị tha? Bằng cách nào mà chúng ta có được điều đó? Vai trò của lòng vị tha trong văn hóa là gì? Đây rõ ràng là những câu hỏi lớn, và chúng đang được giải quyết bởi các nhà nghiên cứu đến từ dự án Human Generosity Project, trong đó, khám phá “osotua” chính là mục tiêu đầu tiên của họ. Mục đích của các nhà khoa học chính là: tìm ra cách tốt nhất để tạo nên dòng chảy lòng tốt của con người.
Những người bạn trong lúc ta khó khăn
Osotua không phải là một trách nhiệm mà người bán du mục ở Maasai xem nhẹ. “Nó là sợi dây kết nối trong xã hội”, nhà nhân chủng học Dennis ole Sonkoi tại Đại học Rutgers (New Jersey, Mỹ), cũng là một người Maasai, cho biết. Mỗi cá nhân sẽ duy trì mạng lưới các đối tác osotua của riêng họ. Khi một mối quan hệ được hình thành, nó có thể kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, cha mẹ truyền cho con cái. Và điều này không chỉ tồn tại ở Maasai. “Trong từng xã hội mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy có một sự chuyển giao theo nhu cầu”, Athena Aktipis đến từ Đại học bang Arizona, người đứng đầu dự án, cho biết.
Fiji, những người sinh sống ở khu ổ chuột Tanzanian (một quốc gia ở châu Phi) và những người chăn nuôi gia súc ở Mỹ đều sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm của họ khi được yêu cầu, và tất nhiên, không ai mong nhận lại thứ gì. Ngay cả những người Ik ở Uganda, những người được các nhà nhân học đánh giá là ít rộng lượng nhất trên thế giới, cùng thực hiện điều tương tự. Những ví dụ kể trên dễ thấy có xu hướng diễn ra theo một chiều. “Lúc còn nhỏ, đã có những gia đình mà theo tôi biết là họ có rất nhiều bò. Trong số đó, sẽ có 1 gia đình luôn được cho bò”, Sonkoi nói. Ở bề nổi của vấn đề, họ dường như bị chịu nhiều tổn thất. Vậy tại sao họ lại hào phóng như vậy, dù rõ ràng họ có thể đảm bảo lợi ích của mình trước tiên.
Có một manh mối để giải thích cho ‘động cơ’ của sự hào phóng và lòng vị tha: một cuộc khủng hoảng không thể đoán trước. Điều này khiến cho mọi người nghĩ rằng hành động hào phóng nếu cứ tiếp tục thực hiện sẽ giúp họ có thể kiểm soát những rủi ro của mình, bằng cách đền đáp cho người khác trong một thời gian dài. Ngay cả những gia đình khá giả nhất cũng có thể trở thành nạn nhân sau một tai họa nào đó, như bệnh dịch chẳng hạn. Có những rủi ro bạn không thể ngăn chặn được, do đó, việc cho người khác tài sản của mình có thể đã hình thành như một chính sách bảo hiểm. Những thành viên khá giả trong nhiều cộng đồng sẽ tham gia chia sẻ, và “bảo hiểm xã hội” sẽ luôn sẵn sàng trong lúc họ cần.
“Bạn đang trao đổi khả năng xảy ra những mất mát thảm khốc để lấy lại một thứ chắc chắn nhưng nhỏ hơn, có khả năng kiểm soát mất mát”, Lee Cronk tại Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết. Từ đây, chúng ta bắt đầu suy nghĩ về truyền thống osotua, có lẽ việc suy nghĩ điều này giống như một sự bảo hiểm đã thúc đẩy những người bán du mục ở Serengeti cho đi mà không hề toan tính. “Nếu bạn không giúp đỡ những người xung quanh, họ sau đó sẽ không thể sóng sót và cuối cùng sẽ chẳng còn ai xung quanh có thể giúp bạn khi bạn gặp nạn”, Aktipis nói.
Để kiểm chứng cho ý tưởng này, Aktipis và các cộng sự của bà đã tạo ra một chương trình mô phỏng xã hội những người bán du mục ở Maasai trên máy tính. Mỗi hộ gia đình ảo sẽ sở hữu một đàn gia súc, sẽ ngày càng gia tăng số lượng nhờ sinh sản, nhưng cũng có thể bị tiêu diệt sau một thảm họa. Nếu số gia súc giảm xuống dưới 64 con, hộ gia đình đó sẽ chết. Mô phỏng sẽ diễn ra theo 3 tình huống khác nhau, thứ nhất: không tặng gia súc, thứ 2: những người có tiềm năng về số lượng gia súc sẽ chỉ cho đi vật nuôi của họ nếu họ được nhận một món quà trước đó và trường hợp thứ 3: mọi chuyện diễn ra theo truyền thống osotua.
Kết quả cho thấy các hộ gia đình có thể tồn tại lâu hơn nhiều so với mức trung bình nhờ truyền thống osotua, từ đây phẩn nào khẳng định lập luận của các nhà khoa học rằng việc thường xuyên cho đi sẽ mang lại lợi ích dài hạn bằng cách đảm bảo sự sống sót của láng giềng.
Tuy nhiên, cơ chế này dường như chỉ vận hành tốt nhất khi rủi ro xảy ra mà “không có tính đồng bộ”, nghĩa là thảm họa có khả năng tấn công vào một gia đình vả ít ảnh hưởng đến hàng xóm của họ. Lấy ví dụ như bộ lạc chăn nuôi gia sức ở miền bắc Mông Cổ, họ cũng có lòng hảo tâm như vậy khi giúp đỡ các gia đình gặp hoạn nạn do bệnh tật. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống sẽ bị phá vỡ khi họ phải đối mặt với một cơn bão mùa đông có thể làm cạn kiệt nguồn thức ăn của gia súc. Khi tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, giúp đỡ hàng xóm gần như không phải là một lựa chọn.
Điều này có thể giải thích vì sao người Ik nổi tiếng với sự ích kỷ của họ, theo Cronk. Khi nhà nhân học Colin Turnbull có chuyến viếng thăm vào những năm 1960, ông mô tả họ là những người “không thân thiện, không có lòng vị tha, hà khắc và đa số đều như thế”. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là họ đã bị đẩy ra khỏi lãnh thổ truyền thống của mình và hiện đang đấu tranh để chống lại nạn đói cũng như chiến tranh. Lúc bấy giờ, họ ít có khả năng giúp đỡ nhau.
Tuy nhiên, khả năng giúp đỡ vẫn chưa đủ. Để có thể đạt được những lợi ích tương tự như osotua, bạn cần phải ngăn chặn sự gian dối, chẳng hạn như những người xin giúp đỡ khi họ không thật sự có nhu cầu. Ở một số cộng đồng, giải pháp khá dễ dàng. “Trong bối cảnh của những người ở Maasai, điều họ quan tấm nhất chính là vật nuôi”, Cronk nhận định. “Thật sự rất khó để che giấu những con vật, do đó bạn không thể gian lận”. Ngoài ra, yêu cầu của osotua là mọi thứ phải được thực hiện một cách công khai, do đó tất cả đều minh bạch và ai cũng có thể biết được. Đối với trường hợp tài sản của mỗi gia đình là thứ dễ che giấu hơn, danh dự chính là chìa khóa của vấn đề.
Ví dụ như ở Fiji, có một truyền thống gần như tương tự osotua, gọi là kerekere. “Mọi người có thể sẽ trở nên nổi tiếng hơn khi trở thành kerekere-er, ngụ ý rằng họ là những người lười biếng”, Matthew Gervais tại Đại học Rutgers cho biết. Điều đó khiến cho họ suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi đưa ra yêu cầu kerekere, điều được xem vết nhơ đáng xấu hổ.
Trên thực tế, danh dự không chỉ ngăn chặn gian lận, nó dường như trở thành nền tảng để xây dựng lòng hào phóng. Gervais từng cho 51 người đàn ông Fiji một khoản tiền tương đương với tiền lương một ngày của họ, sau đó tặng nó cho 50 người đàn ông mà họ biết. Mặc dù được bảo rằng quyết định của họ sẽ không được tiết lộ, các nhà khoa học đã nhìn thấy được sự hào phóng đến ngạc nhiên. Nhìn chung, họ chỉ giữ lại 12% số tiền dành cho mình, và có 22 người cho đi và không giữ lại gì cả. Khi Gervais hỏi họ vì sao lại quyết định như thế, gần như tất cả đều nói họ đã trao tiền cho những người thật sự cần nó.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, các chuyên gia cho rằng danh dự mới là yếu tố quan trọng. Những người đàn ông có danh dự khi cho đi sẽ nhận lại nhiều uy tín hơn. Cronk tin rằng trong cuộc sống hằng ngày, các tiêu chuẩn của sự hào phóng, tình yêu và tôn trọng sẽ là những yếu tố đưa đến một quyết định, chứ không phải là vì lợi ích. Từ đây lại nảy sinh ra một vấn đề khác. Có phải con người sẽ trở nên ít rộng lượng hơn khi họ sống trong các xã hội phức tạp?
Tất nhiên, đó vẫn là sự cho đi dựa trên nhu cầu. “Khi thiên tai xảy ra, mọi người sẽ hiến tặng”, Aktipis nói. “Và họ cho đi bởi vì họ biết còn điều đó là cần thiết, không phải vì họ hy vọng họ sẽ nhận được một phần tiền thưởng từ Hội Chữ thập đỏ”. Mặt khác, người dân ở các nước phương Tây thường đi phớt qua qua những người ăn xin trên phố. Nhưng đó có thể là do họ mong chờ các tổ chức xã hội can thiệp và giúp đỡ. Thực chất, người phương Tây được cho là khá hào phóng với người lạ, trong khi những người sống trong các xã hội có quy mô nhỏ hơn thường có xu hướng hào phóng hơn đối với những người mà họ biết.
Điển hình ở Fiji, mọi người rất hào phóng trong phạm vi làng của họ. “Nhưng khi chúng tôi cho người Fiji chơi một trò chơi có liên quan đến việc bố thí cho những người nghèo xa lạ, họ đa số gần như cảm thấy bối rối về lý do tại sao phải đưa tiền cho một người mà họ không quen biết”, Joseph Henrich thuộc Đại học Harvard cho biết.
Tuy nhiên, hào phóng theo kiểu osotua được cho là sẽ cung cấp thêm nhiều ý tưởng về việc làm cách nào để khuyến khích mọi người quyên góp từ thiện trên toàn thế giới. Ngoài ra, Aktipis hy vọng dự án này có thể mang đến nhiều kiến thức hơn đối với ý tưởng chia sẻ dựa trên nhu cầu, giúp mọi người học cách hợp tác một cách hiệu quả hơn.
Theo NEW SCIENTIST
 
Copyright © 2013-2033 CÔNG NGHỆ ET
Powered by MẠNG LƯỚI HỢP NHẤT