Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà đa số mọi thứ xoay quanh, từ việc giữ kết nối với người thân, bạn bè, trao đổi công việc, học tập… đều đến từ mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta thường ỉ i và phụ thuộc vào những điều quá thuận tiện.
Và nếu để bản thân bị nuốt vào vòng xoáy của những thông báo hiện liên tục trên màn hình điện thoại, điên cuồng chạy theo những tin tức (được cho là) hot, bàn tán những sự kiện “on-trend”, đó là lúc bạn đang để mạng xã hội nuốt chửng bản thân. Bên cạnh việc được cập nhật những xu hướng mới nhất, những luồng tiêu cực trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng chúng ta theo cách bản thân không ngờ tới.
Đặt tâm trí bên ngoài luồng xã hội là chuyện vừa dễ vừa khó, cho dù bạn dùng cách nào để “detox” tâm trí khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, hãy nhớ, mạng xã hội không phải là tất cả trong đời sống của bạn.
Bạn có thể giới hạn mức độ mà bạn muốn xem, nghe thấy từ các ứng dụng khi chúng yêu cầu quyền được gửi thông báo về điện thoại/thiết bị thông minh của bạn. Những thông báo về tin nhắn thường khiến chúng ta cảm thấy áp lực trong việc phải phản hồi kịp thời. Bên cạnh những thông báo quan trọng, phần lớn các tương tác không yêu cầu bạn phải phản ứng ngay lập tức. Hãy giới hạn thông báo chỉ ở những công việc quan trọng tùy vào từng thời điểm.
Hơn nữa, bằng cách chuyển điện thoại sang chế độ không làm phiền, ngoài một vài số liên lạc yêu thích hoặc/và cần thiết, bạn đang đảm bảo rằng dành tối đa thời gian trong ngày cho công việc, bản thân, gia đình – những giá trị chúng ta thực sự cần theo đuổi.
Hãy theo dõi thời gian sử dụng thiết bị của bạn để xem lại ứng dụng nào bạn dành nhiều thời gian nhất, ứng dụng nào cần thiết nhất và tự đặt ra các giới hạn phù hợp với yêu cầu cá nhân của bạn. Đây là bước quan trọng để bạn thực hiện hành trình “cai nghiện” mạng xã hội!
Như đã nói, việc để mạng xã hội thống trị cuộc sống của bạn là một sự lựa chọn, một cách vô tình hay cố ý. Các ứng dụng như Facebook, Instagram và TikTok thường sử dụng những influencer để tạo nên những xu hướng mới nhất về thời trang cũng như phong cách sống. Tuy nhiên, những xu hướng ấy không dành cho tất cả. Và khi bạn cảm thấy bản thân ở ngoài những điều mà đa số mọi người đang nhắc đến, cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi là điều hiển nhiên.
Khi này, hãy luôn nhắc nhở bản thân về giá trị cá nhân của bạn. Cố gắng tìm ra ít nhất 3 điều bạn thích về ngoại hình/tính cách của mình mỗi ngày. Phương cách đơn giản này sẽ giúp bạn lập trình bộ não của mình để nhìn thấy những điều tốt đẹp ở bản thân, biết cách bồi đắp và phát triển chúng sao cho phù hợp với chính bạn. Theo đó, bạn cũng sẽ bận rộn và ít có thời gian so sánh mình với những tiêu chuẩn thường không thực tế và được lan truyền trên mạng xã hội.
Như đã nói, mỗi người đều đang theo đuổi một cuộc sống riêng với những chuẩn mực và mục tiêu khác nhau. Thay vì cảm thấy áp lực khi tự áp quá nhiều giá trị xa lạ vào cuộc sống của mình, bạn nên học cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời mình. Việc luôn so sánh cuộc đời mình với người khác giống như việc bạn là con cá nhưng đang ép bản thân trèo cây vậy. Hãy chinh phục bất kỳ mục tiêu nào của bạn mà người khác cho là ngớ ngẩn, ví như ăn hết cả một cái pizza, ngồi hết một chuyến xe, hay đến những mục tiêu khác mà chỉ mình bạn biết. Những thành tựu trong đời, đôi khi bạn không cần phải kể cho ai nghe.
(st)