Đa cấp núp bóng từ thiện
Công ty CP Thương mại Nano (P307 - 312, Tòa nhà Machico 1, 10 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) lập Quỹ Tấm lòng vàng, lôi kéo người tham gia ủng hộ với mức 2.000.000 đồng/tháng, được gọi là Cộng tác viên kinh doanh. Người tham gia được bán sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty, bắt buộc duy trì doanh số và giới thiệu người gửi ký quỹ với lãi suất 3,2 - 3,5%/tháng. Cộng tác viên giới thiệu thành viên mới sẽ được thưởng với chế độ trả thưởng theo sơ đồ 3 chân. Để nhận thưởng, tháng thứ nhất cộng tác viên phải giới thiệu ít nhất 3 người mới.
Điều kiện thưởng gián tiếp là khi xuất hiện tầng dưới tuyển dụng thành công 3 người, hoặc cộng tác viên phải tiếp tục ủng hộ để duy trì cơ hội kinh doanh.
Công ty này bắt buộc cộng tác viên không được lấy lại số tiền đã ủng hộ, không được làm khó công ty, và không được khiếu kiện công ty.
Hơn nữa người tham gia không được thắc mắc bất kỳ điều gì trong khi thực tế quỹ từ thiện này lại không có bất kỳ thông tin giới thiệu cũng như chương trình hoạt động nào.
Các nhà phân phối, đại lý của công ty này đều được quyền tham gia mô hình khai thác quỹ Tấm lòng Vàng để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Xử lý không triệt để đa cấp bất chính sẽ dẫn đến tình trạng “chặt đầu này lại mọc đầu khác”.
Global Online Systems Inc (GOLS) - công ty kinh doanh đa cấp sản phẩm của Herbalife tại Vancouver (Canada) - từng bị tố cáo kinh doanh bất chính và bị phạt 150.000 USD. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với , TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng rà soát lại, làm rõ tên và nội hàm các hành vi kinh doanh đa cấp bất chính. Những điều nào không còn phù hợp nữa thì nên mạnh dạn bỏ đi.
Trục lợi từ những kẽ hở pháp luật
Theo Tiến sĩ, vì sao hiện tượng biến tướng của bán hàng đa cấp lại có điều kiện để phát sinh ngày một nhiều?
Cách đây 10 năm, ngay từ khi Luật Cạnh tranh được ban hành và chính thức có hiệu lực, các hiện tượng biến tướng trong kinh doanh đa cấp đã xuất hiện. Chúng ta cũng đã tham khảo xây dựng điều luật quản lý kinh doanh đa cấp theo mô hình của nước ngoài nhưng chưa thể lường trước hết những hình thức biến tướng mới ở Việt Nam.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa xử lý mạnh tay và đến nơi đến chốn các hình thức kinh doanh đa cấp bất chính. Việc quản lý kinh doanh đa cấp có thể chia làm hai giai đoạn là đăng ký hoạt động và xử lý vi phạm. Đối với giai đoạn đầu tiên là cho đăng ký hay không cho đăng ký bán hàng đa cấp, Việt Nam đã và đang làm rất tốt. Tuy nhiên, khi nói đến các cơ chế phát hiện và xử lý vi phạm, phía Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh tay.
Hiện tại cơ chế kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn còn theo phương thức truyền thống là lấy thông tin và phải thông báo trước cho doanh nghiệp (DN) khi tiến hành kiểm tra; không thể áp dụng phương pháp kiểm tra đột xuất. Trong khi đó, các DN đa cấp hiện nay đủ thông minh để trục lợi từ những kẽ hở của pháp luật.
Tính đặc thù trong kinh doanh đa cấp cũng khiến cơ chế phát hiện và xử lý như hiện nay gặp phải nhiều khó khăn. Người tham gia hoạt động đa cấp mang tính chất độc lập so với DN. DN có thể dễ dàng cho phép họ tham gia vào mô hình với tư cách cá nhân, chỉ như một người cộng tác với DN.
Vì vậy khi người tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp có hành vi bất chính như đưa thông tin gian dối để thành lập mạng lưới cấp dưới, bán các sản phẩm kém chất lượng, lừa khách hàng… thì DN kinh doanh đa cấp vẫn có thể phủi sạch trách nhiệm và đổ lỗi lên người tham gia. Trước khả năng sinh lợi cao thông qua kinh doanh đa cấp, những toan tính bất chính luôn nhanh chóng phát sinh và tạo ra các hình thức mới để thỏa lòng tham về thu nhập.
Một đợt truy quét các thành viên bán hàng đa cấp tại Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 5/2015. Nguồn: Wangyi (Ảnh minh họa)
Rút giấy phép chưa ăn thua gì
Tiến sĩ có thể chia sẻ luật pháp của một số quốc gia tiêu biểu quản lý vấn đề đa cấp như thế nào để có thể tránh được những hiện tượng biến tướng như tại Việt Nam hiện nay?
+ Cơ chế quản lý kinh doanh đa cấp tại Việt Nam chủ yếu kế thừa từ khu vực Bắc Mỹ mà chủ yếu là Canada. Ở nước ngoài vẫn tồn tại hình thức kinh doanh đa cấp bất chính nhưng cơ chế thi hành xử lý vi phạm mạnh hơn Việt Nam. Cơ quan chuyên trách thực sự có quyền lực giúp phát hiện và xử lý các đối tượng kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Họ có khả năng phối hợp với lực lượng cảnh sát kinh tế tiến hành những cuộc điều tra đột xuất bất ngờ khiến các DN bất chính không kịp trở tay che đậy dấu vết sai phạm. Quan trọng hơn hết, các cơ quan xử lý có thể đưa ra mức tiền phạt đủ mạnh để gây thiệt hại về kinh tế đủ lớn buộc DN phải đóng cửa ngưng hoạt động.
Trong khi đó tại Việt Nam, nếu chưa đủ nghiêm trọng để truy tố trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý chỉ có thể ra quyết định rút giấy phép kinh doanh đa cấp. Điều này thật sự không đủ mạnh tay để buộc DN có hành vi bất chính phải dừng hoạt động. DN sau khi bị rút giấy phép vẫn có thể dễ dàng đăng ký lại với một danh tính khác. Cách xử lý còn có phần nhẹ tay này tạo nên tình thế “chặt đầu này lại mọc đầu khác” đối với các DN kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật.
Một điểm khác biệt nữa là các quốc gia Bắc Mỹ có các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ hơn tại Việt Nam. Các quốc gia này có yêu cầu kỹ thuật cao đối với sản phẩm được phép bán trên thị trường. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng có các thông tin sai lệch khó có thể tồn tại. Do đó DN kinh doanh đa cấp khó lừa dối khách hàng.
Việt Nam cần phải có những chỉnh sửa như thế nào để có thể quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh đa cấp, hạn chế những hình thức biến tướng gây hại cho người dân?
+ Cùng theo đó, cơ quan quản lý cần phải đẩy mạnh việc thắt chặt quản lý về chất lượng sản phẩm trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn các DN đa cấp bán hàng hóa kém chất lượng lừa đảo người tiêu dùng.
Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống điều tra bán hàng đa cấp thật sự mạnh tay. Trong đó, cơ quan chuyên trách không chỉ làm tốt trong việc buộc DN đăng ký bán hàng đa cấp mà còn phải có khả năng điều tra phát hiện và xử lý vi phạm hoạt động đa cấp bất chính một cách triệt để và rộng khắp. Họ phải được trao khả năng yêu cầu những cơ quan an ninh phối hợp điều tra và xử lý vi phạm, có quyền tiến hành các cuộc điều tra và thanh tra đột xuất những DN bị tình nghi.
Một trong những giải pháp trước mắt có thể thực hiện là hủy bỏ yêu cầu người tố cáo kinh doanh đa cấp phải nộp tạm ứng khoản phí giải quyết là 10 triệu đồng, được quy định trong Luật Cạnh tranh. Những người bị lôi kéo, lừa gạt vào mạng lưới đa cấp bất chính khi muốn tố cáo thường sẽ bị chùn chân khi nhìn thấy mức phí này. Việc loại bỏ khoản phí tạm ứng này trong Luật Cạnh tranh có thể giúp các nạn nhân của những mạng lưới đa cấp bất chính mạnh dạn tố cáo hơn.
Xử phạt đa cấp bất chính ở các nước
Ở Singapore, trong quá trình rà soát luật về kinh doanh đa cấp (Multi-level marketing - MLM Act) năm 2000, mức phạt cho việc xâm phạm luật này đã được nâng từ 30.000 USD lên 200.000 USD hoặc bị phạt tù không quá năm năm, hoặc có thể chịu cả hai hình phạt trên. Hình phạt này được áp dụng cho các hành vi khuyến khích và tham gia kinh doanh đa cấp, kinh doanh dạng kim tự tháp; đăng ký thành lập DN để thúc đẩy mô hình kinh doanh đa cấp, kinh doanh kim tự tháp, thành lập công ty với mục đích thúc đẩy kinh doanh đa cấp, kinh doanh kim tự tháp.
Công ty kinh doanh đa cấp sản phẩm Herbalife có trụ sở ở Vancouver (Canada) - Global Online Systems Inc (GOLS) bị phạt 150.000 USD với hai tội danh theo các điểu khoản kinh doanh lừa đảo của Luật Cạnh tranh. Sau khi nhận tội, GOLS đã ký vào Lệnh cấm (Prohibition Order) trình lên tòa án liên bang Canada. Theo đó, GOLS và hai giám đốc Deborah Jane Stoltz và Marilyn Thom đã đồng ý nộp phạt, kê khai mức thu nhập thực sự của các nhân viên của công ty, thông báo cho tất cả nhà phân phối và nhân viên công ty về vụ việc và không được tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh nào về hình thức kinh doanh đa cấp dù trực tiếp hay gián tiếp.
Trung Quốc cấm tiệt đa cấp
Năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một đạo luật quy chế bán hàng trực tiếp và quy định cấm về kinh doanh đa cấp. Với đạo luật này, Trung Quốc khẳng định không chấp nhận hình thức kinh doanh đa cấp tại nước này. Theo trang China Briefing, chính quyền Trung Quốc xem những người tổ chức và đứng đầu mạng lưới kinh doanh đa cấp nhận mức lợi nhuận bất hợp pháp, làm rối loạn trật tự kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh đa cấp vẫn được xem là hợp pháp tại Đài Loan và Hong Kong.
Theo Báo Pháp Luật TP.HCM